(Bài 4) Những sai lầm chết người

(Bài 4) Những sai lầm chết người ảnh 1
Tên khủng bố Abu-Faraj al-Libbi từng cam đoan bin Laden còn sống

Mục tiêu giá trị cao

Bin Laden đúng là bậc thầy trong kỹ thuật ẩn nấp. Trước khi bị vây bủa và săn lùng, tên trùm khủng bố thường thích đi săn, cưỡi ngựa lang thang ngắm cảnh trên núi hoặc thậm chí tắm trong hồ tại Tora Bora (Afghanistan). Bây giờ, bin Laden vẫn được che chở từ người địa phương Pashtun (Afghanistan và Pakistan), thậm chí khi giá đầu hắn đang được treo ở mức 50 triệu USD. Phong tục Pashtun - gọi là Pashtunwali - là luôn bảo vệ khách. Trong khi đó, tiến trình thực hiện chiến dịch của Mỹ đôi khi quá phức tạp.

Trường hợp Adam Rice là một ví dụ. Từng sống tại Kabul (thủ đô Afghanistan) thời nhỏ (bố là nhân viên Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID) và làm việc cho lực lượng đặc nhiệm Mỹ trong hơn hai thập niên, tháng 7-2002, Rice được một viên chức CIA cho biết tông tích tay thủ lĩnh chột mắt Mullah Omar của Taliban gần thung lũng Shahikot. Việc tiêu diệt Omar dường như chỉ trong tầm tay. Tuy nhiên, Rice chẳng hứng khởi gì. Bất cứ khi nào anh cùng nhóm mình rời vị trí chốt trong phạm vi 5km, họ phải xin phép trong lá đơn "5-W" (who, what, when, where, why - gặp ai, làm gì, lúc nào, ở đâu và tại sao) và việc chờ chấp thuận từ bộ chỉ huy có khi mất hàng giờ hoặc nhiều ngày. Nếu có khả năng giao tranh, thông thường cấp trên không đồng ý hoặc chỉ có thể được "OK" từ một tướng ba sao. Rice kể mình thường làm đơn xin phép khi ngồi trên cái thùng phuy mà đồng đội cắt đôi để làm bồn cầu! "Chúng tôi phải đánh máy dưới cái nóng hầm hập và không khí đầy mùi phân thối trong khi thỉnh thoảng mấy tay chỉ huy ở Kandahar hoặc Baghram thẳng thừng khước từ và có khi mắng chúng tôi đánh máy sai chính tả!" - Rice nói. Câu chuyện Adam Rice cho thấy thêm lý do khiến Mỹ thất bại trong săn lùng HVT 1, tức bin Laden; và HVT 2, tức "phó tướng" Ayman al-Zawahiri (HVT - viết tắt từ high-value target, mục tiêu giá trị cao - là thuật từ riêng của CIA).

Lắm thầy thối ma!

Ngoài vài sai lầm chết người trong đó có việc Washington rút nhân sự trong chiến dịch truy lùng bin Laden để bổ sung cho chiến dịch tấn công một đối thủ ít nguy hiểm hơn là Saddam Hussein, cuộc chiến nội bộ Washington cũng là một sai lầm nữa. Như đã nói, về nguyên tắc, CIA là nơi chịu trách nhiệm thộp cổ bin Laden. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng thời Donald Rumsfeld cũng muốn giành công lớn. Theo lệnh Rumsfeld, Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt (SOCOM) thuộc Lầu Năm Góc là nơi được giao trọng trách săn lùng bin Laden; theo đó, ngân sách SOCOM được tăng 60% kể từ 2003, lên 8 tỷ USD trong năm tài khóa 2007.

Tỷ lệ ủng hộ công chúng Mỹ dành cho Tổng thống George W. Bush đã ở mức thấp nhất. Tình hình Iraq, cuộc chiến chống khủng bố, kế hoạch lập lá chắn phòng thủ…, tất cả đã làm kiệt quệ Bush. Bush trông già hơn, ít sinh khí hơn và sự mệt mỏi đã lộ rõ trên gương mặt. Với nước Mỹ, lịch sử đã bắt đầu phán xét Bush...

Tuy nhiên, lắm thầy thối ma! Bây giờ, chẳng ai thật sự chịu trách nhiệm truy bắt bin Laden, dù cả SOCOM lẫn CIA vẫn liên tục báo cáo tình hình. Có khi, kết quả lại chẳng đem lại gì ngoài tai tiếng. Một trường hợp như vậy đã xảy ra vào tháng 1-2006, khi lính SOCOM bí mật đột nhập làng Saidgai (Pakistan) và không thấy dấu hiệu gì liên quan bin Laden. Một tuần sau, khi tình báo Pakistan cung cấp thông tin từ lời khai Abu-Faraj al-Libbi, đến lượt CIA ra tay. Họ ra lệnh oanh tạc một ngôi nhà tại làng Damadola, cách Tây Bắc Islamabad khoảng 200km. Quả tên lửa đã giết 13 thường dân và "một số tên khủng bố", trong đó - dĩ nhiên - không có bin Laden!

Cuối năm 2005, CIA và Bộ Tư lệnh các chiến dịch hỗn hợp (JSOC) thuộc Lầu Năm Góc nhận được tin tình báo rằng "80%" Al-Zawahiri hoặc bin Laden sẽ dự cuộc họp tại một địa điểm ở Pakistan giáp biên giới phía Bắc Afghanistan. Thế là CIA và JSOC hoạch định một chiến dịch tấn công chớp nhoáng từ không trung. Khoảng 30 lính đặc nhiệm thuộc lực lượng SEAL (viết tắt từ "sea-air-land" - biển, không trung, đất liền - thường bị dịch sai là lực lượng "hải cẩu") sẽ được di chuyển bằng máy bay C-130 trong màn đêm đến một vị trí trên bầu trời Afghanistan thuộc khu vực giáp giới Pakistan, cách mục tiêu khoảng 50km. Tiếp đó, lính SEAL sẽ nhảy ra khỏi máy bay, dùng dù lướt để bay qua rặng núi đến áp sát mục tiêu một cách "êm ru". Việc kế tiếp là bất ngờ tấn công, thộp cổ một trong hai hay cả hai hoặc giết chết nếu cần thiết. Sau đó, SEAL mang tù binh đến một địa điểm định trước, nơi hai trực thăng CH-53 đợi sẵn và chở tất cả về Afghanistan. Kịch bản nghe như phim này được chuẩn y một cách hồ hởi bởi sếp CIA thời điểm đó là Porter Goss và Tổng Tư lệnh JSOC Stanley McChrystal.

(Bài 4) Những sai lầm chết người ảnh 2
Lực lượng đặc nhiệm SEAL tại Afghanistan

Tuy nhiên, (nguyên) Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld cùng người phó của mình (Steve Cambone) một lần nữa lại trở thành gậy thọc bánh xe. Yếu tố tin cậy của thông tin tình báo được Rumsfeld đặt ra, cùng nhiều câu hỏi khác - chẳng hạn liệu hai trực thăng CH-53 có đủ để bốc tất cả lính SEAL? Ngộ nhỡ nếu một chiếc bị bắn cháy hoặc gặp sự cố kỹ thuật thì thế nào? Những hình ảnh cũ mang tính bài học lịch sử lại tái hiện, từ chiến dịch giải cứu con tin thất bại tại Iran năm 1980 đến sự kiện lính đặc nhiệm bộ binh Mỹ (Ranger) bị giết tại Mogadishu (Somalia) năm 1993. Rumsfeld còn nghĩ đến khả năng gây ảnh hưởng quan hệ chính trị với Pakistan, bởi chiến dịch có vẻ như một vụ đột nhập trái phép vào lãnh thổ nước này. Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf nhất thiết phải được thông báo - Rumsfeld nói. Khi đó, Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) cũng có khả năng biết và kế hoạch xem như đã bị lộ (trong khi ISI vốn từng tai tiếng về quan hệ với al-Qaeda). Khi mà mấy chiếc C-130 bay trên không trung mòn mỏi chờ lệnh và lính SEAL đã rất sẵn sàng trong tư thế nhảy dù thì vào phút cuối, Rumsfeld hủy chiến dịch!

Phúc Cẩm <EM>(Theo SGGP)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm