Bắc Kinh nói 'bị đâm sau lưng' về vấn đề Triều Tiên

Trả lời báo giới ngày 11-7 về các lời kêu gọi Trung Quốc (TQ) tăng áp lực lên Triều Tiên từ phía Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng khẳng định TQ không phải là nước làm cho căng thẳng leo thang. Ông cũng cho rằng Bắc Kinh không phải là bên nắm giữ giải pháp then chốt cho vấn đề Triều Tiên.

“Thời gian qua, một vài người khi nói đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo đã phóng to tính chất vụ việc và thúc đẩy cái gọi là “lý thuyết về trách nhiệm của TQ”. Theo tôi, nó thể hiện một sự thiếu am hiểu chính xác và tường tận về vấn đề này. Hoặc nó ẩn chứa những động cơ khác, như đổ trách nhiệm cho phía khác” - ông Cảnh Sảng trả lời họp báo, từ chối nói rõ “một số người” là ai.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng. Ảnh: CGTN

Đại diện Bộ Ngoại giao TQ khẳng định nước này đã nỗ lực không ngừng nghỉ và đóng vai trò mang tính xây dựng. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng các bên liên quan phải chịu thỏa hiệp. “Đòi hỏi người khác làm việc mà bản thân không chịu làm gì thì không ổn chút nào. Bị đâm sau lưng là không đẹp chút nào” - ông Cảnh bất ngờ đưa ra nhận định cứng rắn.

Thời gian qua, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp kêu gọi Bắc Kinh cần gia tăng thêm áp lực với Triều Tiên, buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân. Trong cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức) ngày 8-7, ông Trump một lần nữa nhấn mạnh kỳ vọng này với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình.

Phái đoàn Mỹ dẫn đầu bởi Tổng thống Trump (trái) đã có cuộc thảo luận với ông Tập cùng các quan chức lãnh đạo Trung Quốc bên lề G20.

Đối với các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng trong thời gian qua, Bắc Kinh thường xuyên khẳng định lập trường phản đối với nước láng giềng. Tuy nhiên, nước này cũng cho rằng các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc cũng đang làm cho tình hình thêm căng thẳng.

Ông Cảnh cho rằng các nỗ lực của TQ sẽ không thu được kết quả nếu có bên “thêm dầu vào lửa” và đe dọa các lợi ích của nước này, dù Bắc Kinh đã tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm