Bắc Kinh mở rộng xưởng tàu Bột Hải, tăng cường đóng tàu ngầm

Trang tin USNI News của Viện Hải quân Mỹ ngày 12-10 dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể sẽ gia tăng công suất đóng tàu ngầm hạt nhân tại nhà máy đóng tàu Bột Hải tại thị trấn Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh.

Đồng thời, trang tin cũng nhận định hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Bắc Kinh sẽ được mở rộng hơn trong tương lai.

Gia tăng công suất đóng tàu

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với tham vọng cường quốc biển của Trung Quốc. Trước đây, việc phát triển hạm đội này của Hải quân Trung Quốc bị hạn chế khi cả nước chỉ có một nhà máy đóng tàu Bột Hải. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy khả năng Trung Quốc đang mở rộng quy mô của nhà máy này. 

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một khu xưởng mới có thể là nơi đóng tàu ngầm hạt nhân. Ảnh: HI SUTTON

Phân tích hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một khu xưởng mới tại nhà máy Bột Hải. Giới phân tích nhận định khu xưởng có thể là địa điểm đóng các tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới.

Phạm vi của khu xưởng mới ước tính đủ lớn để đóng đồng thời hai tàu ngầm. Ngoài khu xưởng này, nhà máy Bột Hải còn có hai khu xưởng khác, trong đó một khu được xây dựng gần đây và một khu cũ hơn được xây dựng hồi năm 2015. Giới quan sát nhận định với số lượng khu xưởng trên, hải quân Trung Quốc có thể đóng bốn hoặc năm tàu ngầm cùng một lúc.

Trung Quốc sẽ đóng bao nhiêu tàu ngầm hạt nhân trong vòng 10 năm tới là một chủ đề đáng quan tâm. Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) gần đây dự báo hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc sẽ tăng thêm sáu tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân vào năm 2030. Đại úy đã nghỉ hưu James Fanell - Giám đốc Hoạt động Thông tin và Tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ - ước tính con số thậm chí sẽ cao hơn.

Điểm mặt hạm đội tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc

Tất cả các tàu ngầm hạt nhân bao gồm cả tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN) và tàu ngầm tấn công (SSN) đều được đóng tại nhà máy đóng tàu Bột Hải. Do đó, năng lực xây dựng của nhà máy này sẽ quyết định sức mạnh tổng thể của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc.

Hai tàu ngầm hạt nhân Type 094A của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS 

Có ba lớp tàu ngầm mới có thể được đóng tại nhà máy Bột Hải. Cơ bản nhất là tàu ngầm Type-093B. Đây là phiên bản thường xuyên được cải tiến dựa trên tàu ngầm Type-093A lớp Shang-II. Cải tiến chính của tàu Type-093B được dự đoán sẽ là trang bị tên lửa hành trình YJ-18 trong các ống phóng thẳng đứng, theo đó sẽ cải thiện khả năng tấn công chiến lược của loại tàu ngầm này. 

Phiên bản cao cấp hơn dòng Type-093 là tàu ngầm Type-095 với đánh giá sẽ có khả năng "tàng hình" hơn.

Loại dự kiến thứ ba là tàu ngầm tên lửa đạn đạo thế hệ tiếp theo (SSBN). Tàu ngầm Type-096 sẽ tiếp nối thế hệ hiện tại của Type-094. Hải quân Trung Quốc dự kiến sẽ tăng cường thêm sáu tàu ngầm Type-094 thay vì thay thế chúng. “Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2020” của Bộ Quốc phòng Mỹ dự báo Trung Quốc sẽ có tám SSBN vào năm 2030.

Hải quân Mỹ sẽ phải điều chỉnh

Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân là một vấn đề Mỹ rất quan tâm. Theo đó, Hải quân Mỹ sẽ phải có những điều chỉnh. 

Trong Kế hoạch “Lực lượng Chiến đấu 2045”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Mỹ phải bắt đầu đóng ba tàu ngầm lớp Virginia mỗi năm càng sớm càng tốt nhằm xây dựng một “lực lượng tàu ngầm lớn và có năng lực hơn”. Lực lượng được đề xuất sẽ bao gồm 70 đến 80 tàu ngầm tấn công, được mô tả là "nền tảng tấn công sống còn nhất trong một cuộc xung đột giữa các cường quốc trong tương lai".

USNI News cho biết hiện giới quan sát vẫn đang theo dõi các chi tiết mới về việc Trung Quốc mở rộng nhà máy đóng tàu Bột Hải. Hiện trang tin chưa ghi nhận bất kỳ tàu ngầm nào được hạ thủy.

Khu xưởng mới nhất có thể được sử dụng vào mục đích khác ngoài đóng tàu ngầm hạt nhân, nhưng điểm mấu chốt chính là Bắc Kinh đang tăng cường khả năng đóng tàu ngầm của mình. Việc mở rộng quy mô nhà máy đóng tàu Bột Hải sẽ giúp gỡ bỏ những rào cản vật chất vốn hạn chế lực lượng hải quân hạt nhân của Bắc Kinh trước đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm