Quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Trung Quốc:

'Bắc Kinh hiện không còn dính dáng Triều Tiên'

Tờ Channel News Asia (Singapore) ngày 9-7 cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền mới đây của hãng này với Đại tá Chu Ba (Zhou Bo), hiện là giám đốc Trung tâm hợp tác an ninh quốc tế (CISC) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Chu nói rằng quân đội Trung Quốc hiện không còn liên hệ gì với các đối tác Triều Tiên.

Khi được hỏi quân đội Trung Quốc hiện có hình thức quan hệ nào với Triều Tiên và liệu phía Bắc Kinh có thường xuyên liên lạc với Triều Tiên hay không, ông Chu trả lời dứt khoát: “Không, không một chút nào. Chúng tôi hiện không có quan hệ nào với họ cả!”.

Đại tá Chu Ba (Zhou Bo), Giám đốc Trung tâm hợp tác an ninh quốc tế (CISC) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: CCTV

Theo ông Chu, Trung Quốc và Triều Tiên trong quá khứ từng có nhiều liên hệ và trao đổi. Tuy nhiên, hiện đã có sự thay đổi trong quan hệ giữa hai nước vì những lý do mà mọi người đều biết.

“Trung Quốc và Triều Tiên hoàn toàn là láng giềng và chúng tôi đã cùng chiến đấu trên bán đảo Triều Tiên cách đây một thời gian dài. Nhưng Trung Quốc giờ đã hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi hy vọng cuối cùng có thể tìm ra một giải pháp cho vấn đề này” - ông Chu nói.

Theo PV của Channel News Asia, một số nhà phân tích cho rằng những diễn biến ở Triều Tiên và Hàn Quốc gần đây thật ra là sự can thiệp của những nước lớn, cụ thể là Trung Quốc và Mỹ. Họ cho rằng những gì chúng ta đang chứng kiến trên bán đảo Triều Tiên tương tự như một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Chu trả lời:

“Tôi không cho là vậy vì chắc chắn CHDCND Triều Tiên muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ. Do đó, Trung Quốc thật ra đang giúp họ đối thoại với nhau. Nếu các bạn nhìn vào lịch sử của các cuộc đàm phán sáu bên, Trung Quốc luôn là bên chủ trì, từ năm 2003 tới 2007. Trung Quốc cố gắng hết mức để là một người chủ trì hiệu quả nhằm giúp họ cùng ngồi vào bàn đàm phán, đối thoại nhưng kết quả thì không được tốt cho lắm”.

Ông Chu Ba trả lời câu hỏi của PV Channel News Asia về các vấn đề liên quan Triều Tiên. (Ảnh cắt từ video phỏng vấn của Channel News Asia)

Ông Chu cũng cho biết Trung Quốc đang tích cực nỗ lực để đưa ra thông điệp rõ ràng với Triều Tiên rằng việc phi hạt nhân hóa để đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nằm trong lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông thừa nhận tình hình hiện quá phức tạp vì nhiều vấn đề, trong đó có hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ triển khai tới Hàn Quốc và các vụ thử hạt nhân cùng tên lửa của Triều Tiên.

Theo Financial Times, Mỹ thời gian qua đã tăng áp lực lên Trung Quốc khi sự thất vọng với Bắc Kinh ngày một tăng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có thật sự vì các áp lực này mà không liên hệ gì với Triều Tiên hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5-7 còn đặt nghi vấn về sự thật tâm trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây áp lực lên Triều Tiên. “Giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên tăng gần 40% trong quý đầu tiên. Sự hợp tác giữa chúng ta và Trung Quốc không thành công nhưng chúng ta vẫn phải thử” - ông Trump đăng trên Twitter.

Theo Yonhap, giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh vẫn sẽ gây áp lực lên Bình Nhưỡng nhưng ở một mức độ vừa phải. Trung Quốc do dự sử dụng ảnh hưởng của mình để gây áp lực lên Bình Nhưỡng vì lo ngại nếu quá tay với Triều Tiên thì lợi ích cốt lõi của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Wall Street Journal, thật ra việc giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn diễn ra thường nhật dọc đoạn biên giới dài 1.416 km giữa hai nước. Các công ty của Trung Quốc và Triều Tiên vẫn bí mật mua bán than đá, quặng sắt cùng các nguồn tài nguyên khác bất chấp các biện pháp trừng phạt. Trong năm năm qua, Trung Quốc chiếm hơn 80% lượng hàng hóa nhập và xuất khẩu của Triều Tiên, đồng thời là nhà cung cấp dầu chính cho Triều Tiên. 

Tuy nhiên, việc quân đội Trung Quốc có thật sự “đoạn tuyệt” với quân đội Triều Tiên như ông Chu Ba nói hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Những hoài nghi về việc Trung Quốc cung cấp thiết bị hay công nghệ để Triều Tiên phát triển tên lửa vẫn chưa có lời giải đáp chính xác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm