Bắc Cực trước nguy cơ xung đột

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nhận định như thế trong cuộc họp với giới chức quân đội Nga vào hôm 31-8, theo hãng tin Nga RT.

Nga hiện đại hóa Hạm đội phương Bắc

“Việc bảo vệ lợi ích của Nga ở khu vực Bắc Cực và sự phát triển chủ động ở khu vực này đến nay vẫn là ưu tiên hàng đầu của quân đội Nga. Hiện nay, Bắc Cực - vùng đất giàu tài nguyên - đang trở thành nơi mang lợi ích quân sự chiến lược được nhiều quốc gia nhắm tới. Tình trạng này đã làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự trong khu vực” - Bộ trưởng Shoigu cho biết. Bộ trưởng Shoigu cũng nhấn mạnh rằng Hạm đội phương Bắc của Nga đang tiếp tục thực hiện một kế hoạch phức tạp nhằm cải thiện năng lực tại đây.

Đây không phải lần đầu tiên Nga lên tiếng về tình hình cạnh tranh và cảnh báo khả năng xung đột tại Bắc Cực giữa các nước trên thế giới. Đầu năm 2015, Bộ trưởng Shoigu cũng từng nói Nga sẽ sử dụng các phương tiện quân sự để bảo vệ lợi ích Moscow nếu như việc đó có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc gia của Nga. Việc bảo vệ quyền lợi ở Bắc Cực từng được Nga tuyên bố ưu tiên đặt lên hàng đầu trong học thuyết quân sự năm 2014. Từ đó đến nay, quân đội nước này đã liên tiếp thiết lập nhiều cơ sở quân sự tại đây và tập trung phát triển những loại khí tài có khả năng hoạt động tốt trong môi trường nhiệt độ lạnh.

“Mùa xuân năm nay Hạm đội phương Bắc đã chấp thuận tàu phá băng Ilya Muromets (tàu phá băng đầu tiên của Nga trong vòng 45 năm qua được chế tạo đặc biệt phục vụ cho hải quân Nga) và tàu tiếp tế Elbrus. Mùa hè năm nay chúng tôi đã vận hành tàu Đô đốc Groshkov và tàu đổ bộ Ivan Gren. Các thí nghiệm của Nga với các tàu chở nhiên liệu đang được tiến hành” - Bộ trưởng Shoigu nói với các quan chức quốc phòng.

Cũng theo vị bộ trưởng này, trước năm 2019, Hạm đội phương Bắc của Nga sẽ tiếp nhận năm tàu chiến mới, 15 máy bay, 62 hệ thống radar cùng các tổ hợp tên lửa. Như vậy, theo Bộ trưởng Shoigu thì 56,7% vũ khí và trang thiết bị của Hạm đội phương Bắc của Nga sẽ theo mô hình hiện đại nhất. Nga đang tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự ở Bắc Cực và tiến hành nhiều cuộc tập trận ở trong những điều kiện khắc nghiệt nhằm đảm bảo khả năng phản ứng nhanh của binh sĩ. Các chương trình tập trận tiếp tục mở rộng các chương trình thám hiểm Bắc Cực, điển hình là quần đảo Novaya Zemlya với sự phối hợp của Hiệp hội Địa lý Nga.

Quân đội Nga được triển khai ở Bắc Cực. Ảnh: SPUTNIK

Những thỏa thuận ban đầu

Ngoài Nga, nhiều quốc gia khác đang có tàu phá băng hoạt động ở khu vực Bắc Cực như Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc. Điển hình, hiện nay ở Bắc Cực có sự chồng lấn về các tuyên bố chủ quyền dưới đáy biển của Nga và Đan Mạch đang được xem xét bởi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa. Trong khi Canada cũng đang chuẩn bị cho một tuyên bố chủ quyền khác tại đây. Cũng như Nga, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại khi tình hình Bắc Cực ngày càng trở nên phức tạp khi nhu cầu lợi ích tại đây của nhiều nước ngày càng tăng, bên cạnh đó là lịch sử tìm kiếm, phát hiện khá phức tạp tại khu vực hiếm có người sinh sống này.

Tuy nhiên, bên cạnh các tuyên bố “chiến tranh” ở khu vực Bắc Cực mà Nga đưa ra, tại đây cũng xuất hiện các cơ chế giải quyết tranh chấp ban đầu mang tính tích cực. Bản thân giữa Nga và Na Uy cũng đã có những thỏa thuận vào năm 2010, cho thấy triển vọng trong việc giải quyết tranh chấp Nga và Đan Mạch cũng như các cặp quan hệ song phương khác trong tương lai.

Một trong những trường hợp khác được nhắc nhiều chính là các đảo ở quần đảo Svalbard, nằm giữa lục địa Na Uy và Bắc Cực. Quần đảo này được người Hà Lan phát hiện vào năm 1596, sau đó được quản lý bởi các cường quốc như Hà Lan, Anh, Nga. Nhưng đến năm 1920 thì các cường quốc tự nguyện trao trả chủ quyền hay quyền quản lý lại cho Na Uy trong một thỏa thuận liên quan đến Hội nghị Hòa bình Paris sau Thế chiến thứ I. Đáp lại, Na Uy cho phép miễn thị thực với các công dân của các quốc gia ký kết thỏa thuận và trao quyền cho họ trong việc khai thác tài nguyên, tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, đảm bảo chất lượng môi trường và cấm vĩnh viễn mọi hình thức hoạt động quân sự tại khu vực này.

Thỏa thuận này đạt được một bước đi táo bạo chính là áp đặt một số hạn chế đối với quyền chủ quyền (của quốc gia sở hữu lãnh thổ) nhằm cân bằng lợi ích của các bên liên quan dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm