Ba sai lầm của Thổ Nhĩ Kỳ

Hồi đầu tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thẳng thừng: “Chúng tôi có đủ lý do để nghĩ rằng quyết định bắn hạ máy bay của chúng tôi nhằm bảo vệ các tuyến đường vận chuyển dầu mỏ (của Nhà nước Hồi giáo) đến Thổ Nhĩ Kỳ”.

Với lời tố cáo không tránh né của tổng thống Nga, rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào bẫy cho chính mình giăng ra.

Báo Huffington Post (Pháp) ghi nhận thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ như sau:

Xuê xoa với Nhà nước Hồi giáo: Để đáp trả tố cáo từ phía Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói: “Chúng tôi không trơ tráo đến mức thực hiện kinh doanh kiểu đó với các tổ chức khủng bố”.

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố chứng minh mối quan hệ rõ ràng giữa các cơ quan của Thổ Nhĩ Kỳ và bọn Nhà nước Hồi giáo (tự xưng).

Hồi tháng 5, trong chiến dịch đột kích tiêu diệt tên trùm Abu Sayyaf ở miền Đông Syria, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã tịch thu nhiều tài liệu.

Báo The Guardian (Anh) cho biết trong đĩa cứng của Abu Sayyaf có lưu nhiều tài liệu cho thấy mối quan hệ giữa Nhà nước Hồi giáo và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra còn có nhiều dấu hiệu như Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát biên giới với Syria rất lỏng lẻo (các tay súng nước ngoài và vũ khí qua lại biên giới dễ dàng) và từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không xếp Nhà nước Hồi giáo vào nhóm “khủng bố”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vừa xoa dịu Nga vừa sẵn sàng bắn rơi máy bay Nga. Biếm họa của MARIAN KEMENSKY (Slovakia)

Đối đầu gián tiếp với Nga: Thổ Nhĩ Kỳ nhìn Nhà nước Hồi giáo trỗi dậy với ánh mắt không nghi ngại bởi Nhà nước Hồi giáo đe dọa Tổng thống Syria Bashar al-Assad và lực lượng người Kurd.

Đây là hai mục tiêu Thổ Nhĩ Kỳ muốn tiêu diệt. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ muốn ông Assad (dòng Shiite) ra đi để xây dựng một chính quyền dòng Sunni ở Syria.

Tuy nhiên, quân đội Nga lại chiến đấu bên cạnh quân đội Syria. Như vậy, theo suy luận (bạn của kẻ thù là kẻ thù), rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đã đương đầu với Nga.

Đối đầu trong bước đường cùng: Bị dồn đến chân tường, Thổ Nhĩ Kỳ không còn chọn lựa nào khác ngoài chấp nhận logic leo thang với Nga.

Hành vi bắn hạ máy bay Nga đã phản ánh thái độ ngoan cố của Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi lẽ dù tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn bảo vệ không phận đi chăng nữa thì ông cũng không phải không biết hậu quả tệ hại sẽ xảy ra thế nào.

Vào thời điểm một thỏa thuận về đấu tranh chống Nhà nước Hồi giáo đã dần dần tượng hình từ Nga, Pháp, Anh, Mỹ thì Thổ Nhĩ Kỳ lại từ bỏ quan điểm hợp lý để chọn logic leo thang với Nga.

Báo Huffington Post nhận định logic ấy của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại vì Thổ Nhĩ Kỳ không thể so với Nga về lực và vì thái độ kiên quyết của Tổng thống Nga Putin.

Báo Huffington Post phân tích Thổ Nhĩ Kỳ đã mắc các sai lầm như sau:

- Thổ Nhĩ Kỳ vẫn trở thành mục tiêu tấn công khủng bố của Nhà nước Hồi giáo với vụ tấn công ở Suruç ngày 20-7 (32 người chết) và vụ đánh bom tại nhà ga Ankara ngày 10-10 (95 người chết).

- Thổ Nhĩ Kỳ bị hai tác dụng ngược. Một là niềm tin của các nước phương Tây đối với Thổ Nhĩ Kỳ giảm dần. Hai là Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn tư thế đối đầu với Nga.

- Trong ngắn hạn Thổ Nhĩ Kỳ đã làm hy vọng về một mặt trận chung chống Nhà nước Hồi giáo trở nên mong manh. Về dài hạn, Thổ Nhĩ Kỳ không còn được xem là nhân tố bình ổn khu vực.

Như tôi đã trao đổi với ngài Erdogan, tất cả chúng ta có một kẻ thù chung là Nhà nước Hồi giáo. Tôi mong muốn chắc chắn rằng chúng ta tập trung vào mối đe dọa này và tập trung vào sự cần thiết tìm kiếm một mô hình giải pháp chính trị cho Syria.

(Tổng thống Obama kêu gọi Nga
và Thổ Nhĩ Kỳ hàn gắn bất đồng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm