Ba Lan muốn mở căn cứ cho Mỹ, Nga cảnh cáo hậu quả

Thời gian tới, hàng ngàn lính Mỹ có thể hiện diện lâu dài ở Ba Lan, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 28-5.

Nói với Radio 1, ông Blaszczak cho biết ông vừa nói chuyện với phía Mỹ về khả năng để Mỹ triển khai quân lâu dài ở nước mình. Hiện tại lính Mỹ chỉ hiện diện tạm thời và luân phiên ở Ba Lan.

Tuần trước Thượng viện Mỹ triệu tập Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến để nghe “báo cáo về tính khả thi và thích hợp của việc hiện diện lâu dài lính Mỹ trên đất Ba Lan”.  Theo ông Blaszczak, đây là kết quả của việc Ba Lan nỗ lực liên lạc và thuyết phục Bộ Quốc phòng Mỹ.

Lính Mỹ trên đường di chuyển về một căn cứ quân sự ở Wesola gần thủ đô Warsaw (Ba Lan) ngày 28-3-2017. Ảnh: REUTERS

Lính Mỹ trên đường di chuyển về một căn cứ quân sự ở Wesola gần thủ đô Warsaw (Ba Lan) ngày 28-3-2017. Ảnh: REUTERS

Trước đó, truyền thông địa phương và Politico cuối tuần rồi công bố bộ tài liệu của Bộ Quốc phòng Ba Lan có tên “Đề xuất vì sự hiện diện lâu dài của Mỹ ở Ba Lan”.

Bộ tài liệu dày 39 trang bàn về sự “vững mạnh phi thường” của quan hệ Ba Lan-Mỹ trước nay, về sự “thân phương Tây đáng chú ý” của người dân Ba Lan trong thời kỳ chiến tranh lạnh, về quá trình Ba Lan đối đầu với Liên bang Xô Viết.

Bộ Quốc phòng Ba Lan viện dẫn phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đến thăm Warsaw năm ngoái, kêu gọi chiến đấu với “các đe dọa đáng sợ với an ninh của chúng ta”. Và sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ ở Ba Lan sẽ giúp đạt được mục tiêu này.

Theo tài liệu, mục tiêu chính của Ba Lan khi muốn Mỹ mở căn cứ quân sự và hiện diện lâu dài ở nước mình là “thách thức rõ ràng và ngăn chặn sự táo bạo và nguy hiểm ngày càng tăng của Nga” ở châu Âu. Sự hiện diện lâu dài của quân Mỹ ở Ba Lan “sẽ gửi một thông điệp rõ ràng” đến Nga về sự ủng hộ của Mỹ với các đồng minh ở Đông Âu.

Ba Lan sẵn sàng chi tới 2 tỉ USD mở căn cứ cho lính Mỹ hiện diện lâu dài ở nước mình. Con số này chiếm 1/5 chi phí quốc phòng của Ba Lan trong năm 2017 (10 tỉ USD), theo tính toán của NATO. Bằng việc chi tiền này, Ba Lan hy vọng “có thể xây dựng một sự gắn kết mạnh hơn nữa” với Mỹ, đảm bảo “an toàn, an ninh và tự do cho người dân nước mình”. Tháng 3 vừa rồi Ba Lan ký thỏa thuận trị giá 4,75 tỉ USD mua các hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot của Mỹ.

Tài liệu này có một số bản đồ chi tiết về một số địa điểm Ba Lan sẵn sàng mở căn cứ cho lính Mỹ. Theo đó, Bydgoszcz và Torun – các TP chiến lược của Ba Lan là “các địa điểm lý tưởng để thiết lập sự hiện diện lâu dài lính Mỹ ở Ba Lan”.

Bản đồ trong tài liệu của Bộ Quốc phòng Ba Lan cho thấy hai TP Bydgoszcz và Torun được cân nhắc là nơi mở căn cứ Mỹ. Ảnh: RT

Bản đồ trong tài liệu của Bộ Quốc phòng Ba Lan cho thấy hai TP Bydgoszcz và Torun được cân nhắc là nơi mở căn cứ Mỹ. Ảnh: RT

Nga nhanh chóng lên tiếng phản ứng, cho đây là ý định nguy hiểm, không có lợi cho an ninh châu Âu, cảnh cáo hành động này sẽ có hậu quả.

“Sự hiện diện lâu dài của lính Mỹ trên đất Ba Lan sẽ không cải thiện an ninh và ổn định ở châu Âu. Ngược lại, các bước đi bành trướng này chắc chắn sẽ hứng phản ứng từ phía Nga – nhằm bảo đảm sự cân bằng đã bị vi phạm nhiều lần. Dĩ nhiên đây là quyết định mang tính chủ quyền của một nước, nhưng các hậu quả của nó với tình hình chung trong châu lục là rất rõ ràng” – theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Lính Mỹ được triển khai đến căn cứ quân sự Zagan ở tây Ba Lan ngày 12-1-2017. Ảnh: AP

Lính Mỹ được triển khai đến căn cứ quân sự Zagan ở Tây Ba Lan ngày 12-1-2017. Ảnh: AP

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Vladimir Dzhabarov cảnh cáo: “Việc triển khai căn cứ lâu dài của NATO biến Ba Lan trở thành một trong những mục tiêu chính trong trường hợp xảy ra xung đột. Với việc mở căn cứ này Ba Lan trở thành một mục tiêu trả đũa”.

NATO vài năm gần đây tăng cường hiện diện ở các nước Đông Âu và Baltic mặc phản ứng từ phía Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm