Ba kịch bản mất tích của chuyến bay QZ8501

Máy bay né bão, hết nhiên liệu

David Learmount cho biết thông thường khi gặp các điều kiện thời tiết không thuận lợi thì phi công thường có thói quen yêu cầu được chuyển hướng để né. Ngoài sấm sét, các phi công còn có thể gặp phải các cơn bão rất mạnh và việc điều khiển một chiếc máy bay cỡ trung (như QZ8501) xuyên qua cơn bão mạnh có thể khiến nó bị xé nát. Đó là lý do tại sao các phi công hễ gặp bão là phải chuyển hướng, bay vòng qua cơn bão.

Điểm mấu chốt mà David Learmount nhấn mạnh chính là “chiếc máy bay QZ8501 đã không còn trên không trung, bởi nó là loại máy bay cự li ngắn. Sẽ không thể có đủ nhiên liệu cho QZ8501 bay lòng vòng trên không trung trong một thời gian dài”.

Một phi công tên Learmount cũng loại trừ khả năng các hành khách trên chuyến bay “tử thần” sẽ sống sót khi chiếc máy bay hạ cánh trên biển. Vị này phân tích rằng các phi công của QZ8501 đã nói chuyện với kiểm soát không lưu cho đến những phút cuối cùng trước khi mất tích đột ngột.

“Một cái gì đó đã khiến phi công không thể tiếp tục nói chuyện. Chúng tôi không biết những gì đã xảy ra vào lúc đó nhưng dường như nó xảy ra bất ngờ và không thể kiểm soát được. Đến lúc này chúng ta chỉ có thể nói là là máy bay đã mất tích nhưng tôi tiên liệu điều xấu đã xảy ra với chiếc máy bay” - Learmount chia sẻ.

“Dính” phải đám mây vũ tích “cực mạnh”

Bên cạnh những hoài nghi máy bay mất tích vì bão, sáng 29-12, Cơ quan Khí tượng và Thủy văn Indonesia (BMKG) xác nhận máy bay QZ8501 đã bay vào một khu vực có đám mây vũ tích trước khi nó hoàn toàn biến mất khỏi màn hình radar khi đang bay trong không phận Indonesia.

Tờ The Guardian dẫn lời một phát ngôn viên của BMKG Heru Djatmiko cho biết cơ quan này đã ghi nhận thông tin cho thấy điều kiện thời tiết tại các điểm mà máy bay QZ8501 đã mất liên lạc thuộc vùng biển Borneo không tốt. Dữ liệu cho thấy bầu trời xuất hiện những đám mây vũ tích nằm ở độ cao tầm 13.716 m.

Mây vũ tích là một loại mây dày đặc và cao, thường gắn liền với những cơn bão và thời tiết khắc nghiệt. Loại mây này có khả năng sản sinh tia sét và các loại thời tiết nghiêm trọng khác như gió giật, mưa đá và thỉnh thoảng có lốc xoáy. Heru Djatmiko cho biết mây vũ tích xuất hiện trên không phận Indonesia thường có sức công phá mạnh hơn ở các nước khác. Nếu như thông thường mây vũ tích xuất hiện ở độ cao tối thiểu 9,1 km và tối đa là 12 km thì tại đảo quốc Indonesia, loại mây này có thể xuất hiện ở độ cao đến 15,24 km.

Phát biểu trước báo chí hôm Chủ nhật, Tổng Giám đốc Vận tải hàng không thuộc Bộ GTVT Indonesia Djoko Murjatmodjo cho biết lần cuối cùng khi các phi công QZ8501 liên lạc với kiểm soát không lưu, họ đã yêu cầu nâng độ cao máy bay lên đến mức 11,583 km để tránh các đám mây dày đặc. “Chiếc máy bay trong tình trạng tốt nhưng tiếc rằng thời tiết lúc ấy lại bất lợi” - ông Djoko cho biết.

Bay cao nhưng lại bay quá chậm

Không loại trừ khả năng bão xé nát máy bay nhưng chuyên gia hàng không Gerry Soejatman cũng đưa ra thêm một góc nhìn khác về sự mất tích bí ẩn của QZ8501. Theo vị này, tốc độ trước khi mất tích của chiếc máy bay QZ8501 có thể là nguyên nhân khiến nó gặp nạn. Gerry Soejatman đã đưa ra bảng dữ liệu về thông số tốc độ bay, sức gió thổi cùng chiều bay khi QZ8501 đang trong hành trình.

“Tại thời điểm trước khi biến mất, chiếc máy bay đã di chuyển với vận tốc thấp hơn nhiều so với vận tốc tối thiểu mà nó cần phải đạt để có thể đảm bảo an toàn ở độ cao tương ứng” - Soejatman nói với The Guardian. Các thông số trên cho thấy máy bay QZ8501 chưa đạt tốc độ chuẩn khi đang ở độ cao 36.000 feet - tương đương 10.973 m. Vị này phân tích thêm nếu tính luôn sức gió cùng chiều thì vẫn chưa đủ. Các chỉ số dữ liệu bay cho thấy tốc độ không khí tại thời điểm trước khi QZ8501 mất tích là khoảng 352 km/giờ, thấp hơn nhiều so với tốc độ tối thiểu mà chuyến bay cần là 408 km/giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm