Ba kế hoạch bảo vệ người tố cáo

Trung Quốc mới có 12 tỉnh và hai thành phố ban hành quy định bảo vệ người tố cáo nhưng các quy định đều có chung điểm yếu: Chỉ truy cứu sau khi hành vi trả thù người tố cáo đã xảy ra rồi, như vậy không mang tính phòng ngừa và chỉ có thể gọi là cứu chữa chứ không phải bảo vệ người tố cáo. Do đó hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao dự tính thử nghiệm ba kế hoạch:

1. Một trang web thống nhất

Trước đây, Viện KSND tối cao chuyển tin tố cáo đến Viện KSND các cấp chủ yếu qua hộp thư mật của cơ quan hoặc qua thư điện tử (e-mail), sau đó Viện KSND các cấp mới tiếp tục chuyển tin cho Trung tâm tố cáo của địa phương. Cách này phải qua nhiều trung gian và rất dễ bị rò rỉ thông tin.

Từ năm 2003, Viện KSND tối cao đã xây dựng hệ thống hoạt động như sau: Người tố cáo đăng nhập vào trang web của Viện KSND tối cao; kích chuột vào chuyên mục “Trung tâm tố cáo” sẽ thấy bản đồ Trung Quốc; lựa chọn tỉnh, thành phố và đăng nhập vào Trung tâm tố cáo của Viện KSND tỉnh, thành phố đó. Trung tâm tố cáo ở địa phương sẽ tự động tạo mật khẩu riêng chỉ có người tố cáo biết để cung cấp tin tố cáo và theo dõi diễn biến xử lý tin tố cáo.

Hiện nay, hơn phân nửa trong số hơn 3.000 cơ quan kiểm sát các cấp ở Trung Quốc đã khai thông mạng lưới tố cáo qua mạng Internet. Tuy nhiên, để tránh quá nhiều đầu mối thụ lý tin tố cáo, Viện KSND tối cao đang tiến hành sát nhập các mạng tố cáo này. Sau khi Viện KSND tối cao liên kết mạng với các trang web tố cáo của các tỉnh, thành phố, tin tố cáo trước tiên sẽ tập trung vào Trung tâm tố cáo của Viện KSND tối cao. Sau đó, Trung tâm tố cáo sẽ phân bổ tin và phụ trách giám sát quá trình xử lý tin.

Biện pháp trên có lợi hơn so với tố cáo trên các trang web công cộng bởi khi người tố cáo sử dụng trang web công cộng, chính nhân viên quản trị mạng của trang web ấy lại là người đầu tiên biết thông tin, không tiện cho việc bảo mật.

2. Một đầu mối điện thoại miễn phí

Hiện số đuôi của các số điện thoại tố cáo ở địa phương là 2000, trong khi các số đầu thì không giống nhau nên người dân không dễ nhớ. Hơn nữa, người tố cáo phải trả tiền điện thoại. Đầu năm 2007, Viện KSND tối cao đã thương lượng với Bộ Thông tin về biện pháp miễn phí cho các cuộc điện thoại tố cáo. Dự kiến cuối năm nay, số điện thoại tố cáo thống nhất trên toàn quốc sẽ được công bố.

3. Một đầu mối xử lý

Hiện nay, việc Viện KSND cấp huyện cũng lập Trung tâm tố cáo đã không còn phù hợp vì nhân viên xử lý vốn đã ít lại gặp trở ngại khi điều tra xử lý các quan chức địa phương. Do đó, Viện KSND tối cao dự kiến sẽ tập trung thông tin tố cáo vào Viện KSND trên một cấp quản lý thông qua cơ chế giám sát lẫn nhau giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các cấp ngang hàng để tin tố cáo không bị rò rỉ và dễ phát hiện mắt xích nào để xảy ra rò rỉ.

Trước mắt, Viện KSND tối cao dự kiến sẽ thành lập tổ đánh giá đầu mối tố cáo tại Viện KSND các cấp và cũng sẽ lập cơ quan truy cứu trách nhiệm tố cáo.

Năm 2005, Viện KSND khu Thương Lang thuộc TP Tô Châu (tỉnh Giang Tô) nhận được qua mạng Internet tin tố cáo Phó giám đốc Sở Tài chính Trịnh Đại Hồng tham ô, nhận hối lộ trong quá trình mua sắm vật tư. Viện KSND để lại lời nhắn trên mục trả lời tin tố cáo (mục này chỉ có người tố cáo có mật khẩu mới mở được) yêu cầu người tố cáo cung cấp thêm thông tin. Trong vòng hai ngày, Viện KSND và người tố cáo trao đổi qua lại trên mạng hơn 30 lần. Sau khi cơ bản nắm vững thông tin, Viện KSND tiến hành điều tra phá án. Đến bây giờ, Viện KSND khu Thương Lang vẫn không biết người tố cáo đó là ai.

PHƯƠNG TUYẾN (Theo báo Viện KSND, Pháp luật nhật báo)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm