ASEAN – niềm tin đang trở lại!

Những cử chỉ, biểu cảm ấy không hoàn toàn ngoại giao. Bởi thực sự, cả mười vị nguyên thủ ASEAN đã tìm được tiếng nói chung, về biển Đông - một vấn đề hóc búa nhất của khu vực, và cũng là về quan hệ của ASEAN, thậm chí của từng quốc gia thành viên với hàng xóm khổng lồ Trung Quốc - mối quan hệ quốc tế phức tạp nhất khu vực.

Niềm tin về sự đoàn kết

Sự tự tin của các vị nguyên thủ ASEAN sáng nay có được nhờ quá trình vận động ngoại giao, mà kết quả cao nhất là “Tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN về tình hình hiện nay ở biển Đông”, được đưa ra chưa đầy 24 giờ trước đó.

Trong tuyên bố ấy, các ngoại trưởng ASEAN thống nhất bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên biển Đông, với đánh giá rằng những việc đó “đã làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực”.

Trong tuyên bố ấy, các ngoại trưởng đều khẳng định một yêu cầu là các bên liên quan phải “trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982, thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực”.

Ngoại trưởng cả mười nước thành viên ASEAN đồng lòng “khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông”, và yêu cầu các nước liên quan – tức bao gồm cả TQ phải “giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Tuyên bố một lần nữa kêu gọi tất cả các bên tham gia Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin”, đồng thời “nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)”.

Thắng lợi ngoại giao

Tuyên bố ngày 10-5 của các ngoại trưởng ASEAN không đề cập tới cái tên TQ, không một dòng đụng tới chuyện giàn khoan HD-981 đang chọc thằng vào vùng đặc quyền kinh tế của VN trên biển Đông, và cũng không một từ nhắc tới những tàu quân sự, hải cảnh, ngư chính được vũ trang của TQ đang nghênh ngang, chủ động va chạm với tàu thuyền chấp pháp của VN. Nhưng thực sự, Tuyên bố đã chính thức thể hiện quan điểm của cả ASEAN về vụ việc này.

Điều này thể hiện rõ qua bình luận của ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam được tờ Wall Street Journal (Mỹ) trích dẫn khi đưa tin bên lề hội nghị. “ASEAN trung lập không có nghĩa là giữ im lặng, và nếu ASEAN giữ im lặng về các va chạm gần đây trên biển Đông, thì tín nhiệm của ASEAN sẽ bị tổn hại nghiêm trọng”.

Thực tế, để ra Tuyên bố 10-5, trước đó giữa các nước ASEAN đã có nhiều cuộc trao đổi, tham vấn, ở các mức độ khác nhau. “Qua các cuộc trao đổi, chúng tôi thấy không chỉ VN, mà các nước ASEAN khác, và kể cả quốc gia bên ngoài cũng đặc biệt quan tâm, muốn tìm hiểu bản chất, tại sao TQ lại gây chuyện trên biển Đông tại thời điểm này”, một quan chức ngoại giao VN chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

Thời điểm mà TQ gây chuyện, bắt đầu từ hôm 1-5, rất đặc biệt. Chỉ trước đó vài ngày, cuối tháng 4, đại diện các nước ASEAN và TQ đã có cuộc họp, thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có nội dung kiểm điểm việc thực hiện DOC và tiến hành phiên đàm phán thực chất về COC. Rồi sau đó vài ngày, là Hội nghị Cấp cao ASEAN - nằm trong chương trình thường niên của khối.

“Với các nước ASEAN, không khỏi có suy nghĩ tiêu cực về TQ, rằng nước này đã vỗ vào mặt mình, vào mặt khối”, quan chức này phân tích.

Ý nghĩa lớn lao

Các cuộc thăm gặp, trao đổi chính thức và không chính thức, có lúc là chỉ hai nước với nhau, có lúc là một nhóm nước – chẳng hạn nhóm bốn nước có tuyên bố chủ quyền về biển Đông (gồm VN, Phillipiness, Malaysia, Brunei), và có khi là giữa nước có tuyên bố chủ quyền và nước dường như chẳng có đòi hỏi gì ở biển Đông đã diễn ra liên tục trong những ngày qua.

Trong các cuộc tiếp xúc ấy, quan chức ngoại giao các bên hiểu được vấn đề lợi ích, mức độ kỳ vọng, mong muốn của nhau về vấn đề biển Đông. Chẳng hạn, VN thì khẳng định rõ ràng đòi hòi về sự tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của mình trên vùng đặc quyền kinh tế. Các nước khác có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông thì lo ngại “hôm nay TQ thả giàn khoan ở VN, mai lại đưa tới nước mình thì sao!”. Tuy nhiên, cũng sẽ có những nước thấy sự việc dường như không ảnh hưởng gì tới lợi ích của mình cả.

Nhưng điều quan trọng là, qua thăm dò, chia sẻ quan điểm, tất cả các nước đã đi đến nhận thức chung, rằng sự việc đang xảy ra trên biển Đông rõ ràng đã làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. Rằng sự việc ấy, dù trực tiếp mới là giữa Việt – Trung Quốc, nhưng rõ ràng đe dọa an ninh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc phát triển kinh tế của các nước trong khối – vốn đang rất mong manh do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ý nghĩa lớn lao của Tuyên bố 10-5 không chỉ là phá vỡ những bế tắc, lo ngại sau lần đổ vỡ, không ra được tuyên bố chung, ở Hội nghị Câp cao ASEAN tại Campuchia tháng 7-2012.

Ý nghĩa lớn lao của nó còn ở chỗ, đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm, ngoại trưởng các nước ASEAN mới ra được một tuyên bố riêng như vậy, về một vấn đề cụ thể là tranh chấp biển Đông. Sự đồng lòng, thống nhất của cả khối, từng đạt được như vậy, trong sự kiện TQ chiếm đá Vành Khăn – vốn đang do Phillipiness quản lý, năm 1995.

“Hội nghị có nhiều hình thức tuyên bố, như thông báo của chủ tịch hội nghị về các nội dung đã thảo luận, hay thông cáo báo chí. Nhưng với trường hợp đặc biệt, như vụ giàn khoan TQ này, ngoại trưởng các nước ASEAN đã thống nhất chọn hình thức tuyên bố riêng. Đây là điều đặc biệt cần lưu ý”, quan chức ngoại giao VN chia sẻ./.

NGHĨA NHÂN (Từ Naypyiataw - Myanmar)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm