ASEAN muốn thực hiện hiệu quả DOC

- Các nước ASEAN tiếp tục tăng trưởng kinh tế, giảm khoảng cách phát triển và cải thiện tính kết nối để đạt mục tiêu thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

- Chia sẻ thông tin và minh bạch về vấn đề hạt nhân, thành lập Viện Hòa giải và hòa bình ASEAN, đào sâu hợp tác an ninh và quốc phòng.

- Khuyến khích thành lập Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN, đóng góp cho Quỹ Trung tâm cứu trợ nhân đạo ASEAN, Quỹ Cứu trợ khẩn cấp và Quản lý thảm họa ASEAN.

- Khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC.

- Các bên liên quan kiềm chế và không đưa ra động thái nào có thể làm căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

- Kêu gọi phương Tây dỡ bỏ ngay các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Myanmar.

ASEAN muốn thực hiện hiệu quả DOC ảnh 1

Các lãnh đạo ASEAN tham dự phiên họp kín ngày 4-4. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Philippines, tại phiên họp kín, Tổng thống Benigno Aquino III khẳng định Philippines xem giải pháp giải quyết tranh chấp ở biển Đông thông qua Công ước LHQ về Luật Biển là quan trọng nhất.

Philippines tin tưởng trong Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) có các điều khoản phân chia khu vực tranh chấp và không tranh chấp.

Hãng tin DPA (Đức) dẫn lời Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tuyên bố dự thảo COC sẽ được soạn thảo trong nội bộ ASEAN xong mới mời Trung Quốc thảo luận tiếp.

Quan điểm này được Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Tun Razak và Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul đồng tình. Ông Surin Pitsuwan cho biết ASEAN muốn hoàn thành dự thảo COC trong năm nay.

Báo Canberra Times (Úc) ngày 4-4 nhận định chuyến thăm Campuchia bốn ngày của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trước hội nghị cấp cao ASEAN cho thấy Trung Quốc muốn ASEAN không nên tuyên bố gì mang tính ràng buộc pháp lý về biển Đông mà không có Trung Quốc can dự.

Báo Monsters And Critics (Mỹ) ghi nhận các nước ASEAN đang thiếu thống nhất về cách ứng xử với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Philippines muốn ASEAN phải soạn thảo COC trước rồi mới bàn với Trung Quốc. Campuchia lại muốn ngược lại.

Trả lời đài phát thanh Mỹ VOA, nhà phân tích chính trị Lao Monghay (Campuchia) nhận định Campuchia dường như đang chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo báo Jakarta Post, với vai trò nước Chủ tịch ASEAN, Campuchia phải có trách nhiệm vận động ưu tiên soạn thảo dự thảo COC.

Báo Jakarta Post (Indonesia) ngày 4-4 đặt vấn đề liệu ASEAN có thể hành động như một thực thể thống nhất trong quá trình giải quyết tranh chấp biển Đông được không. Lý do để lo ngại là ASEAN không có chính sách đối ngoại chung.

Theo trang web Chính phủ, chiều 4-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rời Campuchia về nước, kết thúc chuyến tham dự hội nghị cấp cao ASEAN. Phát biểu tại phiên họp toàn thể của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn một ASEAN đoàn kết, vững mạnh và liên kết chặt chẽ. Thủ tướng đã đề cập đến các vấn đề xây dựng Cộng đồng ASEAN, kế hoạch Kết nối ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển và triển khai thực hiện Sáng kiến liên kết ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước ASEAN đã gặp đại diện Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN, các tổ chức xã hội và thanh niên ASEAN. Thủ tướng cũng đã gặp gỡ song phương với Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

LÊ LINH - ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm