ASEAN bàn kế hoạch ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19

Cuộc Đối thoại do Ban Thư ký ASEAN tổ chức trực tuyến với chủ đề Phục hồi sau đại dịch: Hướng tới một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ hơn.

Trong vai trò là Chủ tịch nhóm Công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng việc xây dựng kế hoạch tổng thể này cần có sự tham gia, đóng góp của khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các đối tác của ASEAN.

Kế hoạch phục hồi tổng thể phải hướng tới việc lấy người dân là trung tâm, đảm bảo an ninh, an toàn của người dân, cũng như quan tâm tới các nhóm yếu thế trong xã hội. Văn kiện này cần được cập nhật, điều chỉnh thường xuyên bởi các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh

Cuộc đối thoại diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Ảnh Bộ Ngoại giao cung cấp. 

Tại đối thoại, các chuyên gia của WB, ADB, UNESCAP, WEF đã đưa ra một bức tranh tổng thể không nhiều tín hiệu khả quan về kinh tế khu vực và thế giới sau nhiều tháng ứng phó với COVID-19.

Từ góc nhìn khác nhau, các diễn giả gợi ý tập trung ưu tiên vào một số lĩnh vực như y tế, bảo trợ xã hội, giáo dục, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ số và các ứng dụng mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…

Theo đó, tiến trình phục hồi sau dịch bệnh của ASEAN cần được xem xét một cách tổng thể, tránh không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững chung mà ASEAN và khu vực đã và đang thực hiện thời gian qua.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam, chia sẻ quan điểm về cách tiếp cận, đề xuất của các diễn giả, cho rằng, tiến trình phục hồi kinh tế nên được thực hiện từng bước, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất, du lịch, giao thông vận tải… phù hợp với thực tiễn, có tính bao trùm và dành sự quan tâm nhiều hơn cho các nhóm yếu thế trong xã hội.

Ông cũng nhấn mạnh các biện pháp phục hồi cần phù hợp với các giai đoạn ngắn hạn-trung hạn-dài hạn, cũng như phải cân bằng được mục tiêu kép “vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa khôi phục nhanh các hoạt động kinh tế”.

Việc xây dựng kế hoạch tổng thể của ASEAN ứng phó và phục hồi sau dịch bệnh được triển khai theo chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tháng 6 vừa qua.

Dự kiến, kế hoạch này sẽ được trình lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN xem xét, cho ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 37 tới, tháng 11-2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm