Áo và Đức tiếp tục phản ứng với Thổ Nhĩ Kỳ

Năm ngày sau vụ đảo chính hụt, sau cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia tại Ankara tối 20-7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thông báo thiết lập tình trạng khẩn cấp trong ba tháng theo điều 120 của hiến pháp.

Ông tuyên bố đây là biện pháp cần thiết để “tiêu diệt nhanh chóng các phần tử của tổ chức khủng bố liên can đến âm mưu đảo chính”. Theo thủ tục, Quốc hội phải phê chuẩn tình trạng khẩn cấp. Gần 15 năm nay Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tình trạng khẩn cấp sẽ quy định hạn chế lưu thông, tụ tập hay biểu tình. Dù vậy, người dân vẫn nhận được tin nhắn điện thoại của Tổng thống Erdogan kêu gọi xuống đường ủng hộ tổng thống (ảnh).

Đêm 20-7, tức đêm thứ năm liên tiếp, ông tiếp tục diễn thuyết trước dân chúng. Ông nhấn mạnh đảo chính chưa hẳn đã kết thúc, nhiều nước có thể liên quan đến đảo chính và “chúng ta phải tiếp tục loại bỏ virus trong quân đội”.

Quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp không gặp phản ứng gì vì phe đối lập hậu thuẫn ông Erdogan và báo chí đồng lòng ủng hộ. Một số ngân hàng, trường đại học, doanh nghiệp mua nguyên trang báo để cảm ơn Tổng thống Erdogan đã phá vỡ “âm mưu đảo chính của bọn phản bội”.

Trước làn sóng thanh trừng tràn lan ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21-7, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz thông báo đã triệu hồi đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Vienna để làm rõ diễn biến của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông tuyên bố: “Chúng tôi quan ngại các động thái ngày càng độc đoán của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ”. Ông cho rằng không thể chấp nhận được những hành động như sa thải hàng ngàn công chức, can thiệp tràn lan vào bộ máy tư pháp, bắt giữ nhiều quan chức cấp cao.

Ngoài ra, lý do triệu hồi đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ còn để tìm hiểu vai trò của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đối với hai cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Erdogan của hàng ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ ở Vienna vào cuối tuần trước. Ông Sebastian Kurz cho biết chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã trực tiếp chỉ đạo biểu tình.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ cư xử đúng mực. Ông cảnh báo: “Hành vi vi phạm luật hình sự thì có thể bị nhà nước trừng phạt chứ không phải ý kiến chính trị”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm