Anh, Pháp, Đức chìa ‘con dao 2 lưỡi’ với Iran

Ngày 14-1, ngoại trưởng ba nước Anh, Pháp, Đức cùng ra tuyên bố chung rằng các nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân Iran. Lý do là Tehran thời gian gần đây liên tục vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận.

Châu Âu mở đường khôi phục trừng phạt

Theo hãng tin Reuters, kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp mở đường cho ba nước châu Âu điều tra việc Iran tuân thủ thỏa thuận. Thỏa thuận cho phép một hay nhiều bên khiếu nại lên một ủy ban chung rằng một bên cùng ký kết vi phạm cam kết. Nếu ủy ban này không giải quyết được sau 30-60 ngày thì vấn đề sẽ tiếp tục được trình lên một ban cố vấn trước khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào cuộc. Như vậy, kích hoạt cơ chế cũng có thể dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc lên Iran nếu kết luận điều tra cho thấy nước này vi phạm thỏa thuận.

Ngay sau khi ba nước châu Âu tuyên bố, đặc phái viên của Mỹ về Iran - ông Brian Hook nói Washington khuyến khích động thái của Anh, Pháp, Đức. Và thậm chí Mỹ còn kỳ vọng các nước này có thể tham gia vào các nỗ lực cô lập ngoại giao Tehran.

Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này cho biết Moscow “không thấy lý do nào” để kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp vì quyết định này có thể khiến việc quay lại thỏa thuận trở thành bất khả thi. Nga kêu gọi các nước châu Âu từ bỏ quyết định này. Nga cũng nói thêm là tất cả các bên đều biết việc thực thi thỏa thuận gặp khó khăn không phải lỗi Iran, mà do Mỹ đơn phương rút đi.

Ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, bày tỏ quan ngại trước bước đi của ba nước châu Âu, đồng thời kêu gọi tất cả các bên ký kết thỏa thuận “không lãng phí bất cứ nỗ lực” nào nhằm duy trì văn kiện này.

Từ trái qua: Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và cựu ngoại trưởng Anh Boris Johnson trong phiên làm việc ở Brussels (Bỉ) hồi tháng 5-2018. Ảnh: REUTERS

Phần mình, ngay sau khi Anh, Pháp, Đức công bố quyết định trên, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố ba nước này không có quyền ra động thái này. Iran cảnh báo sẽ đáp trả “mạnh mẽ và hủy diệt” bất kỳ “hành động leo thang” nào từ các bên cùng ký thỏa thuận.

Tờ The New York Times dẫn nhận định nhiều nhà quan sát cho rằng sở dĩ Tehran có phản ứng mạnh với quyết định của Anh, Pháp, Đức vì Iran suốt hai năm qua đã kỳ vọng các nước châu Âu sẽ có những động thái thực tế giải vây cho nền kinh tế nước mình thiệt hại nặng nề do các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Trong khi đó, châu Âu không thể trao cho Iran bất kỳ sự bảo đảm nào trước sức ép của Mỹ, ngoài những lời hứa. Cũng dễ hiểu vì châu Âu chịu sức ép rất lớn từ phía Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là đồng minh quan trọng về chính trị, an ninh.

Ý tôi muốn nói với những người đồng minh Mỹ là nếu các ông muốn ngăn chặn Iran có vũ khí hạt nhân mà vẫn muốn bỏ thỏa thuận thì các ông cần một thỏa thuận mới tốt hơn... Ông Trump là một nhà đàm phán tài năng.

Thủ tướng Anh BORIS JOHNSON ủng hộ việc thay thế thỏa thuận 
hiện tại bằng một thỏa thuận khác hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân

Ngày thủ tướng ở London, tôi không biết ông ấy nghĩ thế nào. Ông ấy nói bỏ qua một bên thỏa thuận hạt nhân và đưa kế hoạch Trump vào hành động. Nếu bạn đi sai, bạn sẽ phải chịu tổn hại. Hãy chọn con đường đúng. Đường đúng là trở lại với thỏa thuận hạt nhân.

Tổng thống Iran HASSAN ROUHANI bác bỏ một “thỏa thuận Trump” mới, ví nó là một đề xuất “kỳ lạ 

Con dao hai lưỡi

Theo quan điểm của Anh, Pháp, Đức thì đây là bước đi nhằm mục đích duy trì thỏa thuận. Dù mở đường cho khả năng tái áp đặt trừng phạt Iran nhưng trong tuyên bố ngày 14-1, Anh, Pháp, Đức vẫn khẳng định ba nước này sẽ không tham gia chiến dịch “tối đa hóa áp lực” của Mỹ lên Iran.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, lời khẳng định của ba nước châu Âu có thể sẽ vô tác dụng nếu giới chức Iran vẫn đánh đồng việc kích hoạt cơ chế là một phần của nỗ lực chung gây sức ép lên Tehran của Mỹ, châu Âu.

Theo ông Ali Vaez - chuyên gia về Iran thuộc tổ chức nghiên cứu khủng hoảng Crisis Group, bước đi của ba nước châu Âu có thể là con dao hai lưỡi, mọi việc có thể xảy ra không như ý Anh, Pháp, Đức. Theo ông, dù ba nước chỉ muốn sự cứng rắn của mình khiến Iran nghĩ lại, không thực sự mong Iran bị tái áp đặt trừng phạt và thỏa thuận bị đổ vỡ nhưng rõ ràng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra.

“Đúng là cơ chế sẽ giúp các bên có thêm thời gian để thương lượng nhưng việc tái áp đặt trừng phạt của Liên Hiệp Quốc có thể kéo theo sụp đổ ngoại giao toàn diện, dẫn đến đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân” - ông Vaez cảnh báo.

Đồng quan điểm, thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng đối ngoại châu Âu - bà Ellie Geranmayeh khẳng định động thái của Anh, Pháp, Đức đã đẩy việc thực thi JCPOA vào một giai đoạn hoàn toàn mới. Tờ The Independent dẫn lời cảnh báo của bà Geranmayeh: “Nếu cảm thấy các nước châu Âu đang bắt tay Mỹ gia tăng sức ép, Iran có thể sẽ buộc phải đẩy nhanh chương trình hạt nhân của mình”.

Sau nhiều nỗ lực kêu gọi các bên còn lại của thỏa thuận giúp mình tránh trừng phạt của Mỹ mà không thu được kết quả mong đợi, từ tháng 7-2019 tới nay, Iran đã năm lần điều chỉnh giảm phạm vi tuân thủ cam kết. Quan điểm của Iran là cho đến khi Mỹ đồng ý gỡ bỏ mọi cấm vận thì nước này không có lý do gì tiếp tục tuân thủ thỏa thuận mà chính Washington đơn phương rút ra hồi tháng 5-2018. Ngược lại, Washington khăng khăng chỉ gỡ cấm vận khi Tehran chịu nhượng bộ.

Mới đây nhất, ngày 5-1, Iran thông báo thực hiện bước đi thứ năm và là bước cuối cùng cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận. Theo đó, Iran không còn tuân thủ các giới hạn vận hành trong công nghiệp hạt nhân, gồm cả các yếu tố liên quan tới năng lực và mức độ làm giàu uranium, số nhiên liệu làm giàu cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Đáng chú ý, trong khi bốn bước đi trước đều diễn ra với thời gian giãn cách khá lâu trong nhiều tháng, đợt tuyên bố cắt giảm cam kết thứ năm được đưa ra chỉ hai ngày sau vụ Mỹ ám sát Thiếu tướng Qasem Soleimani. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm