Anh điều tàu quân sự đến Biển Đông: Mũi tên trúng 2 đích

Theo tờ South China Morning Post ngày 22-7, giới quan sát quân sự Trung Quốc nhận định việc Anh cử hai tàu chiến tới hỗ trợ thường trực các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương có thể giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của liên minh tình báo Five Eyes.

Kế hoạch triển khai hai tàu chiến trong tương lai đã được Anh và Nhật tiết lộ trong một thông báo chung khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace gặp người đồng cấp Nobuo Kishi tại Tokyo hôm 21-7.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Ảnh: AP

Theo thông báo, Anh dự kiến triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và các tàu hộ tống đến Nhật Bản vào tháng 9. Các tàu này sẽ đi qua đi qua Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng với Nhật và Mỹ.

Theo Đại sứ quán Anh tại Tokyo, các tàu chiến của Anh sẽ không có căn cứ thường trực, nhưng tàu sân bay chở máy bay phản lực tàng hình F-35B trong chuyến hành trình đầu tiên sẽ cập cảng Yokosuka - nơi đóng quân của Bộ chỉ huy hạm đội Nhật Bản và tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ.

Theo chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh, sự hiện diện của hai tàu chiến Anh ở vùng biển châu Á sẽ không làm thay đổi đáng kể cán cân ở châu Á - Thái Bình Dương nhưng có thể khiến Trung Quốc chịu áp lực chính trị từ dư luận quốc tế.

"Đây cũng là một động thái chính trị mạo hiểm của Five Eyes khi nhóm này liên kết với Nhật và mở rộng hợp tác sang các hoạt động và phối hợp quân sự chung" - chuyên gia Li nói.

"Anh là một trong năm thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều đó có nghĩa là có hai thành viên Hội đồng Bảo an đang hợp tác để đối phó một Trung Quốc đang trỗi dậy. Điều này có thể làm tê liệt ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh trong cộng đồng quốc tế" - chuyên gia này nói thêm.

Theo ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu từ viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, khả năng tác chiến của tàu sân bay Queen Elizabeth sẽ không gây ra mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với quân đội Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, ông nhận định các hoạt động hải quân chung trong tương lai của Mỹ, Anh và Nhật có thể "chia bớt" một phần gánh nặng cũng như chi phí với Washington trong nỗ lực lâu dài nhằm đối phó quân đội Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Cheung Mong, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Tự do Quốc tế tại Đại học Waseda (Nhật) nói cam kết quân sự của Anh cho thấy nước này muốn nói với các nước châu Á rằng London có thể có một số ảnh hưởng trong khu vực.

"Anh muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ do Nhật đứng đầu, vì vậy việc triển khai các tàu chiến này sẽ gia tăng ảnh hưởng của nước này trong khu vực" - ông Cheung nói.

Five Eyes (hay Ngũ Nhãn) là liên minh chia sẻ thông tin và dữ liệu tình báo lâu đời nhất và thành công nhất trên thế giới. Liên minh hoạt động dưới sự dẫn đầu của Mỹ. Bốn nước gồm Anh, Canada, New Zealand và Úc là thành viên.

Trong tháng 6, Úc đã lên tiếng ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài, vốn bác bỏ yêu sách chủ quyền lịch sử của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trong khi đó, Canada cũng kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế vào dịp kỷ niệm năm năm ngày phán quyết được đưa ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm