Anh: Để bệnh nhân chờ lâu phải từ chức

Báo The Guardian (Anh) ngày 4-2 đưa tin: Hai giám đốc bệnh viện lớn tại Anh đã thừa nhận trách nhiệm và làm đơn từ chức vì để bệnh nhân chờ đợi quá lâu trước khi được nhập viện điều trị.

Ông Julian Nettel, Giám đốc điều hành Bệnh viện St. Bartholomew (một bệnh viện lâu đời và có uy tín nhất tại Anh), sẽ chính thức ra đi vào cuối tháng 2. Ông đang chịu nhiều sức ép từ các quan chức y tế địa phương do bệnh viện không đáp ứng được chỉ tiêu giảm thời gian chờ nhập viện. Người phát ngôn của bệnh viện thừa nhận công tác quản lý yếu kém là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân không được nhập viện đúng quy định.

Theo quy định của cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia Anh, thời gian chờ nhập viện tối đa kể từ lúc bệnh nhân được đưa vào danh sách điều trị đến khi chính thức nhập viện là 26 tuần. Tuy nhiên, số liệu thống kê của bệnh viện cho thấy từ tháng 4-2006 đến tháng 1-2008, đã có 573 bệnh nhân (gần 1% trong tổng số 64.474 bệnh nhân điều trị trong thời gian này) phải chờ nhập viện lâu hơn so với quy định. Tính trung bình thời gian chờ đợi thêm của mỗi bệnh nhân kéo dài thêm tám tuần.

Còn tại Bệnh viện trường đại học West Middlesex, bà giám đốc điều hành Tara Donnelly thừa nhận có thiếu sót vì đã để tám bệnh nhân mòn mỏi ngồi chờ trên xe lăn trước khi sắp xếp được giường nằm. Câu chuyện xảy ra vào tháng 1, thời điểm bệnh viện phải tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân trong đợt giá rét mùa đông.

Bệnh viện West Middlesex cũng đã vi phạm quy định khi không thông báo kịp thời khó khăn của bệnh viện cho cơ quan quản lý y tế địa phương để các bệnh viện khác trong khu vực trợ giúp. Tình trạng này vẫn thường xảy ra ở nhiều bệnh viện. Lãnh đạo bệnh viện không muốn trình báo cấp trên vì sợ bị chỉ trích quản lý yếu kém.

Theo quy định của ngành y tế Anh, khoa tai nạn và cấp cứu chỉ được phép có bốn tiếng để quyết định có thể tiếp nhận bệnh nhân được hay không. Thế nhưng tại Bệnh viện West Middlesex, bệnh nhân phải chờ hơn 12 tiếng. Hai ngày sau, các bệnh nhân đã báo cáo sự việc lên cấp có thẩm quyền.

Trong khi đó tại Thái Lan, Bộ trưởng Y tế công cộng Wittaya Kaewparadai tuyên bố sẽ cho mở lại cuộc điều tra sau khi Văn phòng Tổng kiểm toán Thái Lan buộc tội một số quan chức cũ của Bộ Y tế dính líu đến gói thầu mua sắm 232 xe cứu thương trị giá lên đến 464 triệu baht (khoảng 230 tỷ đồng VN) để trang bị cho các bệnh viện cả nước.

Trong báo cáo gửi thủ tướng, Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia và Bộ Y tế, Văn phòng Tổng kiểm toán cho biết một vài nhân vật cao cấp của Bộ Y tế đã tự ý điều chỉnh điều khoản tham chiếu trong hồ sơ gọi thầu. Bộ trưởng Wittaya Kaewparadai thông báo đã ký quyết định giao cấp dưới thu thập thông tin liên quan và sẽ cho kiểm tra lại chất lượng toàn bộ số xe trên cũng như trang thiết bị đi kèm xem các bên có thực hiện đúng cam kết ghi trong hợp đồng thầu hay không.

Sự việc bắt đầu vào năm 2003 dưới thời bộ trưởng Y tế cũ. Trong gói thầu có điều khoản quy định các bên tham gia phải cung cấp loại xe cứu thương có dung tích động cơ tối thiểu 2.900 cc. Rốt cuộc chỉ có một đơn vị dự thầu. Cuối cùng, thứ trưởng thường trực Bộ Y tế lúc bấy giờ đã chấp nhận phương án thay đổi một số điều khoản tham chiếu, trong đó có điều khoản giảm công suất tối thiểu của động cơ xuống còn 2.450 cc.

Văn phòng Tổng kiểm toán nhận định hành vi này nhằm làm lợi cho các công ty tư nhân.

Chỉ có Toyota Motors và Siam Nissan Automobile dự thầu. Cuối cùng, Toyota thắng thầu.

MINH NHỰT (Theo The Nation, Bangkok Post, The Guardian)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm