'Ăn miếng trả miếng', Nga trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ

Hãng tin Reuters đưa tin Nga ngày 16-4 đã trục xuất 10 nhà ngoại giao của Mỹ, động thái nhằm trả đũa việc Washington trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga khi cáo buộc Moscow có hành động "ác ý", đồng thời đề nghị đại sứ Mỹ về nước để tham vấn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra các biện pháp trên nhằm phản ứng một loạt biện pháp trừng phạt mà chính phủ Mỹ hôm 15-4 đã áp đặt lên nước này, gồm cả việc giới hạn Moscow phát hành nợ công.

Tuy phản ứng của Moscow được đưa ra nhanh chóng và các biện pháp nhằm vào lợi ích của Mỹ, song động thái của Nga được cho là vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại và không “dập tắt” ý tưởng mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga.

'Ăn miếng trả miếng', Nga trục xuất 10 nhà ngoại giao của Mỹ. Ảnh: THE SYDNEY MORNING HERALD

Theo Reuters, ngoài trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, Nga ngày 16-4 cũng đã cấm tám quan chức cấp cao còn đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ vào nước này với cáo buộc có vai trò trong cái mà Moscow gọi là "đường lối chống Nga".

Những quan chức bị cấm bao gồm Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland, và Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas.

Những cá nhân khác phải đối mặt lệnh cấm nhập cảnh là Giám đốc Cục Trại giam Liên bang Michael Carvajal, Giám đốc Hội đồng Chính sách Nội địa Susan Rice, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton và cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) - ông Robert James Woolsey.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 16-4, Nga cũng sẽ chấm dứt hoạt động của các quỹ và tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ ở Nga mà Moscow tin là đã can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Ông Lavrov cũng đề cập các biện pháp có thể gây “nhức nhối” nhằm vào hoạt động kinh doanh của Mỹ tại Nga.

Các biện pháp khác được đưa ra nhằm gây khó khăn hơn cho chính đại sứ quán Mỹ trong việc điều động nhân viên.

Trong một tuyên bố hôm 16-4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết: "Bây giờ là lúc Mỹ thể hiện ý thức tốt và quay lưng lại với đường lối đối đầu", Reuters đưa tin.

"Nếu không, một loạt quyết định gây nhức nhối cho phía Mỹ sẽ được thực hiện" - Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Theo cơ quan này, Nga còn có các lựa chọn có thể gây tổn hại kinh tế đối với Mỹ, cũng như có thể giảm số lượng nhân viên ngoại giao của Washington tại Moscow xuống chỉ còn 300 người, song các biện pháp vẫn chưa được tung ra.

Bộ Ngoại giao Nga còn cho biết ông John Sullivan -  đại sứ Mỹ tại Nga - cũng nên về nước để tham vấn.

Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về phản ứng của Nga.

Các biện pháp “ăn miếng trả miếng” của Nga được đưa ra trong bối cảnh ông Biden sáng 15-4 đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm tăng cường phản ứng của chính quyền Mỹ đối với Nga. 

Theo sắc lệnh này, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa sáu công ty công nghệ Nga vào danh sách đen với cáo buộc hỗ trợ chương trình mạng do các cơ quan tình báo Nga điều hành.

Bộ Tài chính Mỹ cũng đã trừng phạt 32 thực thể và cá nhân với cáo buộc “thực hiện các nỗ lực do chính phủ Nga chỉ đạo nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, cũng như các hành vi phát thông tin sai lệch và can thiệp”.

Ngoài ra, tám cá nhân và thực thể có liên quan những hành động của Nga ở Crimea cũng bị đưa vào danh sách đen.

Chính quyền ông Biden cũng trục xuất 10 nhân viên của đại sứ quán Nga tại Washington, gồm cả các thành viên của cơ quan tình báo Nga.

Mỹ cũng chính thức định danh Cơ quan Tình báo Đối ngoại (SVR) của Nga đứng sau cuộc tấn công mạng SolarWinds hồi năm 2020, vốn đã ảnh hưởng đến các cơ quan chính phủ và hàng chục tập đoàn Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt hôm 15-4 của chính quyền ông Biden được đưa ra một tháng sau khi ông Biden tuyên bố công khai rằng sẽ đáp trả các hành động "ác ý" của Moscow.

Nga phủ nhận tất cả các cáo buộc của Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm