Ai đánh bom ở Bangkok?

Ngày 18-8, Bộ Ngoại giao Thái Lan thông báo còn quá sớm để xác định động cơ vụ đánh bom kinh hoàng ở thủ đô Bangkok tối 17-8 và chân tướng thủ phạm.

Cùng ngày, AFP đưa tin Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tuyên bố máy ghi hình gần hiện trường đã lưu được hình ảnh nghi can. Đó là một nam thanh niên thuộc một tổ chức chống chính quyền quân sự, có thể là người ở vùng Đông Bắc Thái Lan (khu vực hoạt động của phe áo đỏ).

Phe áo đỏ thuộc Mặt trận Quốc gia Thống nhất vì dân chủ chống độc tài ra đời năm 2006 để ủng hộ Thủ tướng Thaksin bị lật đổ hồi tháng 9-2006.

Báo Le Figaro (Pháp) dẫn lời TS Sophie Boisseau du Rocher nhận định vụ đánh bom ở Bangkok có thể xuất phát từ ba đầu mối.

Đầu mối đối lập chính trị

Tháng 5-2014, tướng tư lệnh lục quân Prayut Chan-ocha đảo chính quân sự và cầm quyền thay cho đảng Pheu Thai của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin.

Đầu tháng 8 mới đây, phe cánh ủng hộ ông Thaksin đã phản đối chính quyền quân sự cấm một số nhà chính trị thuộc phe này hoạt động chính trị.

Ở nước ngoài, ngày 15-8, ông Thaksin chỉ trích chính quyền quân sự Thái Lan trong băng video cuộc họp của phe áo đỏ ở Phần Lan. Ông kêu gọi tẩy chay dự thảo hiến pháp sẽ trình Hội đồng Cải cách quốc gia ngày 7-9 tới.

Tượng thần Brahman bị hư hại nhẹ ở cằm và tay sau vụ nổ cạnh đền thờ Ấn giáo. Ảnh: BANGKOK POST

Trong nước, Hội đồng Cải cách quốc gia Thái Lan đang giữ khoảng cách với chính quyền quân sự vì chính quyền đã đưa ra một số chính sách gia đình trị như các đời thủ tướng trước. Ví dụ ngày 12-8, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã thông báo dự kiến sẽ đưa em trai Preecha chỉ huy quân đội.

Trong khi đó, người dân thất vọng vì chính quyền quân sự không ổn định mức tăng trưởng kinh tế.

Vụ đánh bom xảy ra cạnh đền thờ Ấn giáo. Đây là mục tiêu mang tính chất biểu tượng vì là biểu tượng tôn giáo, tọa lạc giữa thủ đô và cạnh ngã tư mà năm 2010 phe áo đỏ từng biểu tình và bị quân đội trấn áp làm hàng chục người thiệt mạng.

Đầu mối Hồi giáo

Người dân Thái Lan đa số theo đạo Phật (85%). Trong khi đó, phiến quân Hồi giáo ở miền Nam (đa số là Hồi giáo gốc Malaysia) đòi ly khai.

Từ khi chính quyền quân sự cầm quyền, quân đội chủ trương hòa giải bằng cách kêu gọi phiến quân Hồi giáo đàm phán nhưng không có tiến bộ nào đáng kể.

Do đó vụ đánh bom ở Bangkok có thể nhằm làm suy yếu chính quyền và chứng tỏ chính quyền bất lực trong điều hành đất nước.

Đáng lưu ý là lâu nay phiến quân Hồi giáo chưa bao giờ tấn công ngoài các tỉnh miền Nam. Tướng Udomdej Sitabutr, Thứ trưởng Quốc phòng, nhận định loại bom sử dụng không phù hợp với các loại phiến quân hay dùng ở miền Nam.

Nếu quả đúng vụ đánh bom tại Bangkok là sản phẩm của phiến quân Hồi giáo thì chúng đã chuyển sang mô hình hoạt động mới đáng lo ngại.

Đầu mối khủng bố quốc tế

Các tín đồ Hồi giáo dòng Rohingya ở Myanmar cho rằng đã bị phân biệt đối xử và tìm đường di dân. Mới đây, Thái Lan lại tổ chức trục xuất hàng ngàn đối tượng này về Myanmar vào lúc bọn buôn người bỏ rơi hàng ngàn người Rohingya trên các con tàu ọp ẹp ngoài vịnh Thái Lan.

Thái Lan cũng vừa mới trục xuất 109 người dân tộc Duy Ngô Nhĩ trở về Trung Quốc.

Bọn khủng bố quốc tế có thể là thủ phạm vụ đánh bom tại Bangkok vì hai lý do: Trả đũa chính sách được cho là phân biệt đối xử người Hồi giáo của Thái Lan và gây bất ổn Đông Nam Á vào lúc ASEAN đang hình thành mặt trận chung chống Hồi giáo cực đoan.

Chuyên gia người Thái Pavin Chachavalpongpun giảng dạy tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á ở Kyoto (Nhật) nhận định: “Kích thước của quả bom khiến tôi nghĩ đó là hành động khủng bố quốc tế. Vụ đánh bom có thể liên quan đến vấn đề người nhập cư”.

 

Thủ phạm sử dụng 5 kg chất nổ TNT

Bộ Ngoại giao Thái Lan đánh giá vụ đánh bom là hành động đê hèn và khẳng định Thái Lan sẽ đưa thủ phạm ra trước pháp luật. Bộ cho biết những người bị thương được điều trị tại các bệnh viện gần khu vực vụ nổ và Trung tâm cấp cứu Erawan sẽ phụ trách cung cấp thông tin về người bị thương. Bộ kêu gọi người dân bình tĩnh.

Theo kết quả điều tra ban đầu, vụ nổ tối 17-8 cạnh đền thờ Ấn giáo ở Bangkok là do quả bom tự tạo nặng 3 kg đặt gần cổng vào. Thủ phạm sử dụng 5 kg chất nổ TNT. Thời điểm phát nổ lúc 19 giờ là giờ cao điểm vì lúc này trời mát, du khách bắt đầu đến tham quan. Sau 13 giờ ngày 18-8, một vật gây nổ đã được ném vào người đi đường gần trạm tàu điện trên không ở trung tâm Bangkok. Cảnh sát cho biết không ai bị thương.

Hội đồng quốc gia vì an ninh và trật tự Thái Lan bác bỏ tin đồn chính quyền sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp ở Bangkok vì cho rằng chưa cần thiết. AFP dẫn nguồn từ cảnh sát hoàng gia Thái Lan cho biết đây là sự kiện chưa từng xảy ra tại Thái Lan.

Tổng Thư lý LHQ Ban Ki-moon tuyên bố ông bị sốc vì vụ đánh bom ở Bangkok. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã lên án vụ đánh bom này. Theo báo Bangkok Post, 23 nước đã phát cảnh báo cảnh giác khi du lịch đến Thái Lan.

Trong ngày 18-8, chỉ số chứng khoán trên thị trường chứng khoán Thái Lan đã tụt giảm. Chỉ số SET giảm 2,6%, mức lớn nhất trong ngày kể từ tháng 1-2014.

Ngành du lịch bị ảnh hưởng. Cổ phiếu của Tập đoàn Erawan Group (quản lý các trung tâm thương mại và khách sạn cao cấp ở Bangkok) giảm 11%, mức cao nhất từ tháng 6-2013. Cổ phiếu của Central Plaza Hotel giảm 13% và của hãng hàng không Thai Airways giảm hơn 6%.

____________________________________

22 người chết, 123 người bị thương trong vụ đánh bom ở Bangkok tối 17-8, trong đó có 10 người nước ngoài. Trung Quốc xác nhận có ba công dân Trung Quốc đại lục và hai công dân Hong Kong thiệt mạng cùng một người mất tích. 24 công dân đại lục, Hong Kong và Đài Loan bị thương phải nhập viện. Anh xác nhận một nữ công dân Anh cư trú ở Hong Kong thiệt mạng. Ngoài ra còn có các nạn nhân Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm