9 dấu ấn năm 2016 qua biếm họa quốc tế

1. Tòa trọng tài bác bỏ “đường chín đoạn”

Ngày 12-7-2016, Tòa trọng tài La Haye (Hà Lan) thành lập theo phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 đã công bố phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.

Phán quyết kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với các vùng biển của biển Đông và “đường chín đoạn” của Trung Quốc đã đi ngược với Công ước LHQ về Luật Biển.

(Biếm họa của Patrick Chappatte, báo New York Times của Mỹ)

 2. Anh quyết định rời khỏi EU

Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016, 51,9% cử tri Anh đã ủng hộ nước Anh rời khỏi EU (Brexit). Trước kết quả này, Thủ tướng David Cameron đã từ chức. Tân Thủ tướng Theresa May cam kết trước cuối tháng 3-2017 sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, mở ra giai đoạn đàm phán rời khỏi EU trong thời gian tối đa hai năm.

(Biếm họa của Riber Hansson, báo Sydsvenskan của Thụy Điển)

3. Tỉ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ

Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8-11-2016 đã gây bất ngờ lớn, làm đảo lộn mọi dự đoán của báo chí nghiêng về ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ông Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20-1-2017.

(Biếm họa của Paresh Nath,  báo The Khaleej Times của các  Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất)

4. Châu Âu ngăn chặn làn sóng di cư

Năm 2015, hàng trăm ngàn người di cư đã theo tuyến đường Balkan di dân ồ ạt vào châu Âu. Từ tháng 3-2016, tuyến đường này đã đóng cửa.

Song song theo đó, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngăn chặn người di cư bất hợp pháp theo ngả Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp (cửa ngõ vào châu Âu). Từ đó làn sóng người di cư đã chuyển hướng sang Ý để vào EU.

Trong năm 2016, ít nhất 4.700 người di cư đã chết hoặc mất tích trên Địa Trung Hải. Làn sóng người di cư dồn dập đến EU đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa bài ngoại và xu hướng dân túy bùng nổ.

(Biếm họa của Arend van Dam, Hà Lan)

5. IS thất trận, ra sức tấn công khủng bố

Ngày 17-10-2016, quân đội Iraq đã mở chiến dịch tái chiếm Mosul, cứ điểm cuối cùng của IS ở Iraq. Tại Syria, chiến dịch tấn công căn cứ địa của IS ở Raqqa đã bắt đầu từ ngày 6-11-2016. Còn tại Libya, IS đã bị đánh bật khỏi Sirte vào đầu tháng 12-2016.

Trong thế trận bị vây hãm, IS đã vươn vòi điên cuồng tấn công. Một số vụ tiêu biểu như tấn công bằng xe tải ở Nice (Pháp) làm 86 người chết và ở Berlin (Đức) làm 12 người chết, thảm sát trong hộp đêm ở Orlando (Mỹ) làm 49 người chết, đánh bom tại Brussels (Bỉ) làm 35 người chết. IS cũng bị nghi ngờ tổ chức nhiều vụ tấn công tự sát ở Thổ Nhĩ Kỳ.

(Biếm họa của Dave Granlund, Mỹ)

6. Chủ tịch Fidel Castro từ trần

Lãnh tụ Fidel Castro Ruz, nguyên Bí thư thứ nhất BCH Trung ương đảng Cộng sản Cuba, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba, đã từ trần vào đêm 25-11-2016.

Công cuộc cải cách do ông tiến hành đã mang lại nhiều thành quả, đặc biệt quan hệ Cuba-Mỹ đã được bình thường hóa. Ngày 20-3-2016, Tổng thống Obama đã đến thăm Cuba.

(Biếm họa của Phạm Kiến Bình,  Trung Quốc)

7. Hòa bình ở Colombia sau 52 năm nội chiến

Ngày 26-9-2016, sau bốn năm đàm phán tại Cuba, chính phủ Colombia và tổ chức Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã ký hiệp định hòa bình chấm dứt 52 năm xung đột (250 người thiệt mạng).

Kết quả trưng cầu ý dân sau đó vào ngày 2-10-2016 đã bác bỏ hiệp định. Dù vậy, sau khi hai bên đàm phán lại, Quốc hội Colombia đã nỗ lực thông qua hiệp định hòa bình sửa đổi. Trước đó, ngày 7-10-2016, Tổng thống Juan Manuel Santos đã được trao giải Nobel hòa bình.

(Biếm họa của Kap, báo La Vanguardia của Tây Ban Nha)

8. Đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ

Đêm 15-7-2016, quân đảo chính đã tiến hành lật đổ Tổng thống Recep Tayip Erdogan (290 người chết). Giáo sĩ Fethullah Gülen đang sống lưu vong ở Mỹ bị cáo buộc đứng sau vụ này.

Sau đó, Tổng thống Erdogan đã mở chính sách thanh trừng vô tiền khoáng hậu. Hơn 37.000 người bị bắt. Hơn 10.000 viên chức bị sa thải. Hàng chục tờ báo, hãng tin, đài truyền hình, đài phát thanh bị đóng cửa.

Các nước phương tây lên án Tổng thống Erdogan lợi dụng vụ đảo chính hụt để củng cố quyền lực, trấn áp đối lập, đặc biệt là các đảng ủng hộ người Kurd.

(Biếm họa của Petar Pismestrovic,  báo Kleine Zeitung của Áo)

9. Quân đội Syria kiểm soát toàn bộ Aleppo

Ngày 15-11-2016, quân đội Syria được không quân Nga yểm trợ đã mở chiến dịch tái chiếm khu vực phía đông Aleppo (thành phố lớn thứ hai của Syria). Đến giữa tháng 12-2016, theo thỏa thuận với chính phủ Syria, quân nổi dậy đã di tản khỏi Aleppo. Thắng lợi quân sự này tiếp tục khẳng định vị thế của Nga ở Trung Đông.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm