5 lần phát biểu ấn tượng của Tổng thống Obama

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu hết sức thành công và đầy sức mạnh tại đêm đại hội thứ ba của đảng Dân chủ đang diễn ra ở Philadelphia (Mỹ).

Trước ông đã có nhiều diễn giả nổi tiếng phát biểu tại đại hội, trong đó có vợ ông - đệ nhất phu nhân Michelle Obama, cựu Tổng thống Bill Clinton và nhiều người khác nữa. Tuy nhiên, bài phát biểu của Tổng thống Obama vẫn là điểm nhấn quan trọng và rất được mong đợi tại đại hội.

Các bài phát biểu của Tổng thống Obama trước nay thường rất chân tình, thân mật và có cái nhìn bao quát về nước Mỹ. Đã có nhiều lần Tổng thống Obama khiến người nghe hoan nghênh trong xúc động, thổn thức và cả hâm mộ. Dưới đây là năm lần trong số đó, theo USA Today (Mỹ).

Tại đại hội đảng Dân chủ năm 2004

Tổng thống Obama phát biểu vào đêm đại hội thứ hai với tư cách lúc đó là một ứng viên thượng nghị sĩ từ bang Illinois. Kể từ năm 1928 đến thời điểm đó, ông là người thứ hai được trao vai trò là diễn giả chính tại đại hội đảng khi không phải là một thống đốc hay là một thành viên Quốc hội. Trước đó ông cũng chưa bao giờ dùng tới máy phóng đại chữ khi phát biểu.

“Trong một nước Mỹ cao thượng thì không cần phải giàu mới đạt được điều tốt nhất.”-Tổng thống Obama phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ năm 2004.

“Trong một nước Mỹ cao thượng thì không cần phải giàu mới đạt được điều tốt nhất" - Tổng thống Obama phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ năm 2004. Ảnh: USA TODAY

Ông Obama đã kể câu chuyện về nguồn gốc của mình - về người cha Kenya di cư sang Mỹ để học và về người mẹ xuất thân từ một gia đình quân nhân ở Kansas (Mỹ), câu chuyện về quá trình trưởng thành trong chính trị không giống các người Mỹ điển hình khác của ông. Từ câu chuyện của ông bà và cha mẹ, ông đã hiểu được di sản của nước Mỹ và các nỗ lực của đảng Dân chủ để bảo tồn những di sản đó.

“Cha mẹ không chỉ dạy tôi về tình yêu thương, mà còn về truyền cho tôi niềm tin về tương lai nước Mỹ. Họ đặt tên tôi là Barack - nghĩa là may mắn, hạnh phúc, tin tưởng rằng cái tên này sẽ mang lại thành công cho tôi trong một nước Mỹ khoan dung, rộng lượng. Họ hình dung tôi sẽ được học ở những ngôi trường tốt nhất ở Mỹ, dù họ không hề giàu, vì trong một nước Mỹ cao thượng thì bạn không cần phải giàu mới đạt được điều tốt nhất và khai phá được tiềm năng của mình.

Cha mẹ tôi đều đã mất nhưng đêm nay tôi biết bằng họ đang ngắm nhìn tôi với sự tự hào vô bờ. Họ đứng ở đây và tôi cũng đứng ở đây, cảm thấy biết ơn nguồn gốc không thuần Mỹ của mình. Tôi nhận biết được giấc mơ của cha mẹ tôi đang sống trong hai cô con gái quý báu của tôi. Tôi đứng đây và biết rằng câu chuyện của mình là một phần trong câu chuyện lớn hơn của nước Mỹ”.

Lúc nhận giải Nobel Hòa bình

Sự kiện Tổng thống Obama được trao giải Nobel Hòa bình gây khá nhiều tranh cãi, đặc biệt trong hoàn cảnh nước Mỹ đang ở giữa hai cuộc chiến: Iraq và Afghanistan. Trong bài phát biểu, ông thừa nhận những gì ông làm cho hòa bình thế giới có thể không thể so sánh với những gì cố Tổng thống Nam Phi Nelson Madela hay nhiều cá nhân từng nhận giải Nobel Hòa bình đã làm. Tuy nhiên, ông khác mọi người ở chỗ là một tổng thống Mỹ ở thế kỷ 21 đang đối mặt với rất nhiều đe dọa về tầm nhìn hòa bình: khủng bố, xung đột dân sự, bạo lực súng ống… Ông không chỉ là người đề xướng các sáng kiến hòa bình như những cá nhân nhận giải trước mà còn là một lãnh đạo phải đối mặt với thời điểm khó khăn.

“Trong một số trường hợp, sử dụng vũ lực không chỉ cần thiết mà còn hợp lý về phương diện đạo đức.” – Tổng thống Obama phát biểu nhận giải Nobel Hòa bình.

“Trong một số trường hợp, sử dụng vũ lực không chỉ cần thiết mà còn hợp lý về phương diện đạo đức" - Tổng thống Obama phát biểu nhận giải Nobel Hòa bình. Ảnh: ZEROHEGDE

“Chúng ta phải bắt đầu bằng việc thừa nhận sự thật khó khăn: Trong cả cuộc đời mình, chúng ta cũng sẽ không trừ diệt được tận gốc xung đột bạo lực. Sẽ có lúc các nước sẽ nhận ra, trong một số trường hợp, sử dụng sức mạnh không chỉ cần thiết mà còn hợp lý về phương diện đạo đức. Trong một số trường hợp, vũ lực không nên bị chỉ trích, đó là sự công nhận của lịch sử, đó là thể hiện thực tế không hoàn hảo của con người và là giới hạn của lẽ phải”.

Tưởng niệm sự kiện biểu tình Selma

Cuộc biểu tình đòi nhân quyền ở Selma (bang Alabama, Mỹ) ngày 7-3-1965 đã chìm trong biển máu. 50 năm sau cuộc biểu tình vì nhân quyền nhưng lại chìm trong bạo lực vì bị đàn áp, trong bài phát biểu, Tổng thống Obama nhắc tới sự hỗn loạn dẫn tới sự kiện Selma, nhắc nhở người nghe về di sản của cuộc biểu tình Selma và những việc còn cần phải làm để đảm bảo công bằng và nhân quyền ở Mỹ.

Theo ông, như những nô lệ đã xây dựng Nhà Trắng, như lực lượng phản ứng nhanh đã lao tới tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới khi nó bị khủng bố ngày 11-9-2001, những người biểu tình Selma là một phần của lịch sử Mỹ.

“Nước Mỹ đang chờ đợi thế hệ trẻ cùng trái tim không sợ hãi.” – Tổng thống Obama phát biểu tưởng niệm sự kiện biểu tình Selma.

“Nước Mỹ đang chờ đợi thế hệ trẻ cùng trái tim không sợ hãi” - Tổng thống Obama phát biểu tưởng niệm sự kiện biểu tình Selma. Ảnh: WHITE HOUSE

“Ở mọi ngóc nghách trên đất nước này đều có những bước đầu tiên cần phải đi, có những mảnh đất mới cần được khai phá, có những cây cầu cần phải bước qua. Và người đó là bạn, những người trẻ với trái tim không sợ hãi, thế hệ đa dạng bản sắc và được giáo dục bài bản nhất trong lịch sử chúng ta. Đất nước đang chờ đợi các bạn dẫn dắt".

Sau vụ thảm sát nhà thờ Charleston

Ngày 17-6-2015, một người da trắng bắn chết chín người da đen vì kỳ thị chủng tộc. Một lần nữa, Tổng thống Obama nhắc lại cuộc đấu tranh giành quyền công dân cho người da đen đã xuyên suốt hàng thập niên.

“Mỹ là đất nước của lòng vị tha.” – Tổng thống Obama phát biểu sau vụ thảm sát nhà thờ Charleston.

“Mỹ là đất nước của lòng vị tha" - Tổng thống Obama phát biểu sau vụ thảm sát nhà thờ Charleston. Ảnh: REVIEW JOURNAL

Thông điệp của ông: Nước Mỹ được Chúa ban cho lòng vị tha, chúng ta nhận nó với lòng biết ơn, giờ là lúc chứng minh chúng ta đáng được nhận món quà đó bằng cách thể hiện lòng vị tha đó.

Tại lễ phát bằng ĐH Rutgers năm 2016

Trước 50.000 khán giả, Tổng thống Obama đưa ra lời khuyên thực dụng: Phải biết rõ điều mình đang nói.

“Phải biết rõ điều mình đang nói” - Tổng thống Obama phát biểu tại lễ phát bằng đại học Rutgers năm 2016.

“Phải biết rõ điều mình đang nói” - Tổng thống Obama phát biểu tại lễ phát bằng ĐH Rutgers năm 2016. Ảnh: GETTY IMAGES

“Trong chính trị và cả cuộc sống, sự ngu dốt không phải là ưu điểm. Chẳng hay ho gì việc không biết mình nói gì. Điều này dẫn tới nói không đúng và không thật bản chất vấn đề. Điều này cũng chẳng kích thích năng lực chính trị. Điều này chỉ thể hiện rõ một điều: Bạn không biết mình đang nói gì và làm người nghe bối rối, mơ hồ".

Theo USA Today thì lời khuyên này còn nhắm tới một mục tiêu khác là ông Donald Trump vốn ăn nói bạt mạng trong suốt kỳ vận động bầu cử tổng thống sơ bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm