40 năm quan hệ ngoại giao Nhật-Trung: Tẻ nhạt và khô khan!

40 năm quan hệ ngoại giao Nhật-Trung: Tẻ nhạt và khô khan! ảnh 1
Ngày 29-9 đánh dấu 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Nhật và Trung Quốc (TQ). Cột mốc quan trọng này diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất giữa hai nước. Báo Asashi Shimbun (Nhật) đã phỏng vấn ông Yuji Miyamoto (ảnh), nguyên đại sứ Nhật tại TQ (2006-2010).

. Ông đánh giá thế nào về tình hình căng thẳng ngoại giao Nhật-Trung hiện tại?

+ TQ đang thách thức Nhật tại quần đảo Senkaku, đây không còn là vấn đề tranh chấp lãnh thổ mà liên quan đến an ninh quốc gia của Nhật. TQ đưa ra lập trường cứng rắn vì lo ngại Nhật quản lý hiệu quả quần đảo và cho rằng Nhật thay đổi chính sách nhằm khuếch trương chủ quyền quần đảo ra quốc tế.

Theo tôi, việc mua quần đảo Senkaku của Nhật không sai nhưng không đúng lúc. Đáng lý ra Nhật nên sử dụng biện pháp ngoại giao để thuyết phục cộng đồng quốc tế ủng hộ. Những gì chúng ta nên làm là chờ đợi và sau đó đưa ra quyết định mua đảo sau như một phản ứng nếu tàu TQ xâm lấn.

40 năm quan hệ ngoại giao Nhật-Trung: Tẻ nhạt và khô khan! ảnh 2

Biếm họa của Patrick Chappatte về tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật (Japan) và Trung Quốc (China).

. Theo ông, làm thế nào để phá vỡ bế tắc?

+ Trong 40 năm với vai trò là nhà ngoại giao, tôi nhận thấy không có vấn đề ngoại giao nào không thể giải quyết. Tuy nhiên, giải pháp cho một vấn đề ngoại giao có thể không đơn giản và thường rất mơ hồ. TQ đòi Nhật thừa nhận quần đảo Senkaku là quần đảo tranh chấp. Tôi cho rằng đây là điểm khởi đầu tốt để tiến tới đàm phán nếu Nhật nói: “Chúng tôi không tranh chấp lãnh thổ mà đang đối mặt vấn đề ngoại giao trên đảo”.

. Nhìn lại 40 năm qua, ông thấy quan hệ ngoại giao Nhật-Trung tiến triển thế nào?

+ Trong hai thập niên đầu tiên sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, các nhà chính trị và quan chức hai nước đều có kinh nghiệm chiến tranh. Họ chia sẻ hy vọng chung rằng hai nước có thể tránh xung đột. Nhật ý thức được tội lỗi của mình và TQ tôn trọng vấn đề phát triển thời hậu chiến của Nhật. Có thể nói quan hệ ngoại giao trong thời kỳ này là tẻ nhạt.

Quan hệ trong hai thập niên sau đó là khô khan. Tuyên bố chung năm 2008 về thúc đẩy quan hệ hai bên cùng có lợi đã ghi nhận quan hệ hai nước đã và sẽ luôn luôn vì lợi ích chung. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng chỉ riêng chủ nghĩa thực dụng không thể ngăn chặn khủng hoảng như hiện nay mà khủng hoảng còn liên quan đến yếu tố cảm xúc.

. Theo ông, vì sao yếu tố tình cảm lại tồn tại trong chủ nghĩa thực dụng?

+ Hai nước đều là hai nền kinh tế lớn nhưng vẫn thiếu tự tin. Khi mất tự tin vào kinh tế, Nhật mất đi cảm giác quan hệ thân thiện với TQ là cần thiết trong phát triển hòa bình ở châu Á. Hiện trạng thiếu niềm tin này xuất phát từ truyền thống về đảo của Nhật, từ tâm lý quốc gia đảo và từ việc Nhật dựa vào Mỹ về chính sách ngoại giao thời hậu chiến.

Ông Yuji Miyamoto nhận định chính phủ TQ đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Chính phủ không thể phớt lờ chủ nghĩa dân tộc của người dân nên một mặt phải đưa ra lập trường ngoại giao cứng rắn nhằm duy trì ổn định xã hội trong nước, mặt khác lập trường này có thể gây hại đến lợi ích quốc gia.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm