3 nước từng yêu cầu Mỹ dội bom Iran

Ông John Kerry cho biết trong các cuộc gặp với các lãnh đạo thời điểm đó là Quốc vương Saudi Arabia Abdullah, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cả ba quốc gia này đều yêu cầu chính quyền Washington có hành động quân sự đối phó Iran.

“Họ nói với tôi rằng: “Các ông phải dội bom vào Iran. Đó là điều duy nhất khiến họ tỉnh ngộ”" - cựu Ngoại trưởng Mỹ cho biết.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: GETTY IMAGES

“Tôi vẫn nhớ rõ cuộc trò chuyện với Tổng thống Mubarak. Tôi nhìn ông ấy và nói: Ngài nói thì rất dễ. Nếu Mỹ thả bom vào Iran thì tôi cá Ai Cập sẽ là nước đầu tiên lên tiếng chỉ trích hành động này của chúng tôi. Sau đó, ông ấy đáp lại: “Tất nhiên rồi. Ha-ha-ha” - ông Kerry kể lại. “Việc này giống như một cái bẫy theo nhiều nghĩa. Nhưng quan trọng hơn, Thủ tướng Netanyahu là người nghiêm túc kích động Mỹ có hành động quân sự”.

Hiện vẫn chưa rõ các cuộc gặp mà ông Kerry kể diễn ra vào thời gian nào. Ông Kerry là chủ tịch của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ từ năm 2009 trước khi giữ chức Ngoại trưởng Mỹ vào năm 2013, Tổng thống Mubarak bị truất quyền năm 2011 và Đức vua Abdullah qua đời vào năm 2015.

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran vào các cường quốc Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức được ký kết vào năm 2015, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Với thỏa thuận này, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lại việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước đã từ chối xác nhận thỏa thuận này vì cho rằng Mỹ không đạt được lợi ích nào. Số phận của bản thỏa thuận hiện sẽ do Quốc hội Mỹ quyết định.

Ông Kerry và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: CNN

Cựu Ngoại trưởng John Kerry, cũng như các quốc gia tham gia ký kết khác, đã kịch liệt chỉ trích động thái này của ông Trump. Ông Kerry khẳng định việc “trình một thỏa thuận lên quốc hội để sửa đổi” không hề mang lại một hiệu quả tích cực nào, cũng như bất kỳ đề xuất nào được thêm vào thỏa thuận cũng sẽ bị chính quyền Tehran cho là nhằm “tiêu diệt thỏa thuận”.

Cựu ngoại trưởng Mỹ cho biết không chắc liệu trong 10 hay 15 năm nữa, Iran có nối lại chương trình vũ khí hạt nhân hay không, tuy nhiên ông tin rằng thỏa thuận năm 2015 là điều tốt nhất Mỹ có thể đạt được và cũng giúp Trung Đông an toàn hơn, thoát khỏi một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, cả Saudi Arabia và Israel được cho là đang xem Iran là mối đe dọa chính đối với an ninh khu vực Trung Đông, liên quan đến chương trình phát triển tên lửa của Tehran, cũng như mối liên hệ của nước này với các nhóm phiến quân Hezbollah và Houthi ở Yemen.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm