3 lý do Mỹ không vội ép Triều Tiên từ bỏ hạt nhân

Hôm 19-2 (giờ Mỹ), phát biểu trước giới báo chí tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn nhìn thấy Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cuối cùng sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng lưu ý rằng ông không vội vàng chút nào trong chuyện này, hãng AP đưa tin.

“Tôi nghĩ điều cuối cùng tôi muốn nhìn thấy là sự giải trừ hạt nhân của Triều Tiên. Tôi nghĩ chúng ta cuối cùng sẽ nhìn thấy nó. Tôi không có chút áp lực nào về thời gian lịch trình” - ông Trump khẳng định.

Vì sao Mỹ không cần vội?

Phát biểu lần này của ông Trump được xem là sự xác nhận chính thức của Nhà Trắng về tâm thế bước vào thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội. Trước đó giới chuyên gia nhận định có những dấu hiệu cho thấy ông Trump trong thời gian qua cũng không còn nhấn mạnh vào vấn đề phi hạt nhân hóa “ngay lập tức” đối với Triều Tiên, đặc biệt là trong nội dung các phát ngôn và trên trang Twitter của mình.

Ông Trump có ít nhất ba lý do để tạm gác lại vấn đề “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể được kiểm chứng và không thể bị đảo ngược”. Chính ông Trump khẳng định quan hệ Mỹ-Triều thời gian qua đang có những tiến triển tốt đẹp. Vậy nên Nhà Trắng hoàn toàn có lý trong việc chọn cách tiếp cận “thân quen trước, mặc cả sau”. Điều này càng có ý nghĩa khi vấn đề niềm tin giữa Mỹ-Triều vẫn còn khá mơ hồ. Đó là chưa kể Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quân đội tại Hàn Quốc sau khi Seoul cam kết tăng chi tiêu quân sự.

Về phần mình, ông Kim thời gian qua cũng đã thể hiện sự linh hoạt nhất định trong chính sách đối ngoại thông qua việc chủ động phá hủy các bãi thử, đồng ý tiếp tục đàm phán với cả Mỹ và Hàn Quốc trong bối cảnh các lệnh cấm vận Triều Tiên vẫn chưa hề được gỡ bỏ.

Lý do thứ hai, ông chủ Nhà Trắng cho đến thời điểm này, ngoài những phát ngôn “có cánh” dành cho người đồng cấp Triều Tiên, vẫn chưa có động thái nhượng bộ nào đáng để lo ngại Washington sẽ thất thế trước Bình Nhưỡng. Lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc và Mỹ nhằm vào Triều Tiên vẫn còn. Trong bối cảnh ông Kim muốn đẩy mạnh cải cách kinh tế, các lệnh cấm vận sẽ là quân bài mặc cả hiệu quả trong tay Mỹ để đổi lại các động thái tương xứng từ phía Triều Tiên.

Lý do thứ ba chính là hơn ai hết, chính quyền ông Trump hiểu rõ không thể ép buộc Bình Nhưỡng giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trong ngắn hạn. Hạt nhân vốn là cơ sở quan trọng để Triều Tiên đảm bảo quyền lãnh đạo và chính sách đối ngoại của ông Kim. Vũ khí hạt nhân, theo giới quan sát, đã được Triều Tiên phát triển lên tầm cao mới. Hai lý do đó cho thấy không thể buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa một sớm một chiều. Thậm chí TS Nguyễn Việt Phương, nghiên cứu viên tại Trung tâm Belfer, ĐH Harvard (Mỹ), cho rằng giới nghiên cứu phương Tây đã ngầm hiểu Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ hạt nhân, thay vào đó sẽ sử dụng kênh ngoại giao và kinh tế để tạo thành “kiềng ba chân” phát triển đất nước.

Tổng thống Trump (phải) sắp gặp Chủ tịch Kim Jong-un (trái)  tại Việt Nam. Ảnh: AFP

Ưu tiên chấm dứt chiến tranh

Tín hiệu “không vội phi hạt nhân hóa” Triều Tiên từ chính quyền ông Trump dự báo trước khả năng cả hai nhà lãnh đạo sẽ không thảo luận về hạt nhân tại thượng đỉnh lần thứ hai. Điều này sẽ làm giảm đi đáng kể áp lực đối với cả Mỹ lẫn Triều Tiên. Từ đó sẽ làm tiền đề cho cả hai bên thoải mái, cởi mở hơn trong việc thương thuyết các khúc mắc khác.

Hàn Quốc sẽ chi trả 1.030 tỉ won (890 triệu USD) cho hoạt động của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) gồm 28.500 binh lính, tăng 70 tỉ won so với năm 2018. 

Thứ nhất chính là ưu tiên chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra từ năm 1950 nhưng chỉ tạm ngưng từ năm 1953. Triều Tiên nhiều lần khẳng định nước này muốn nhắm tới một hiệp ước hòa bình, thay vì một hiệp ước đình chiến kéo dài hơn 65 năm qua. Chấm dứt chiến tranh có ý nghĩa quan trọng với vấn đề xây dựng niềm tin chính trị từ phía Triều Tiên lẫn Hàn Quốc. Một tuyên bố chấm dứt chiến tranh sau thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể tạo ra một hiệu ứng an tâm cho giới chính trị gia lẫn giới kinh doanh hai nước, vốn thường xuyên bất an và xung đột trong nhiều năm liền.

Ngoài ra, hòa bình lập lại sẽ thúc đẩy mục tiêu mở rộng ngoại giao và phát triển kinh tế của ông Kim. Một tuyên bố chấm dứt chiến tranh hoặc lạc quan hơn là một hiệp ước hòa bình sẽ mở đường cho Bình Nhưỡng tiếp cận các giải pháp tháo gỡ lệnh cấm vận. Điều đó mở ra các hướng đi ngoại giao và hợp tác kinh tế. Chính Hàn Quốc cũng chưa thể đẩy mạnh chính sách “Ánh dương” hòa giải, hợp tác với Triều Tiên trong lĩnh vực kinh tế. Lý do cũng là vì vấp phải rào cản cấm vận Liên Hiệp Quốc và sự phản đối từ phía Mỹ.

Thời gian của thượng đỉnh lần thứ hai là hai ngày tại Việt Nam, dài hơn gấp đôi so với thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore. Tuy nhiên, có thể thấy Mỹ-Triều đã dần thu gọn và tập trung rõ ràng hơn các mục tiêu thương thuyết cụ thể và mang tính khả dĩ. Điều đó cho phép ông Trump và ông Kim có thời gian, không gian nhiều hơn để củng cố niềm tin và chấm dứt chiến tranh Triều Tiên sẽ là mong muốn chung của tất cả các bên.

Cần nhấn mạnh rằng phía Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ dừng lại ở việc đàm phán hướng tới một tuyên bố kết thúc chiến tranh vì một hiệp ước hòa bình. Bởi vì hiệp ước hòa bình đòi hỏi yêu cầu pháp lý cao hơn. Ví dụ, sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ vốn đã không còn hoàn toàn nằm trong quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa của ông Trump và cần có sự tham vấn của Trung Quốc, một trong các bên ký kết hiệp ước đình chiến năm 1953 nhưng lại đang có quan hệ ngoại giao và kinh tế tương đối căng thẳng với Mỹ. Hơn nữa, việc đưa ra một tuyên bố chung về việc kết thúc chiến tranh (thay vì ký kết một hiệp ước hòa bình) sẽ không đòi hỏi phía Mỹ phải xem xét lại sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc.

TSNGUYỄN VIỆT PHƯƠNG, nghiên cứu viên 
Trung tâm Belfer, ĐH Harvard (Mỹ)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm