2.000 người biểu tình lật đổ chính phủ ở Ai Cập ​

Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ có quy mô lớn nhất Ai Cập trong hai năm nay và có dấu hiệu dẫn đến một làn sóng Mùa xuân Ả Rập mới.

Hơn 2.000 người A Cập tập trung biểu tình ở trung tâm thủ đô Cairo và TP Alexandria (Ai Cập) trong ngày 15-4 nhằm lật đổ chính phủ. Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ có quy mô lớn nhất Ai Cập trong hai năm nay, theo báo Wall Street Journal(Mỹ).

Đến tối cùng ngày vẫn còn một nhóm người biểu tình tụ tập. Cảnh sát dùng hơi cay giải tán. Tổng cộng 12 người bị bắt.

Cuộc biểu tình do các nhà hoạt động cánh tả tổ chức nhằm phản đối việc Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi thỏa thuận sẽ trao quyền kiểm soát hai hòn đảo Tiran và Sanafir của Ai Cập trên biển Đỏ cho Saudi Arabia.

Người biểu tình cầm giày gí vào tấm ảnh của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi trong ngày biểu tình 15-4, phản đối chính phủ trao hai hòn đảo cho Saudi Arabia. (Ảnh: REUTERS)

Ông Abdel Fattah al-Sisi ký thỏa thuận này với vua Salman trong chuyến thăm Saudi Arabia tuần trước.  Saudi Arabia hứa hẹn đầu tư hàng tỉ USD vào Ai Cập.

Sau khi thỏa thuận đã được ký, chính phủ Ai Cập mới thông báo về vấn đề này đến người dân. Thông báo cho rằng hai hòn đảo nằm trong khu vực eo biển Tiran vốn là của Saudi Arabia, Ai Cập kiểm soát từ năm 1950 đến nay là do đề nghị của phía Saudi Arabia.

Và giờ Ai Cập trả lại theo đúng nội dung biên giới hàng hải hai nước đạt được qua thời gian dài thương lượng. Thông báo này bị rất nhiều người phản đối, chỉ trích chính phủ đã bán các hòn đảo.

“Người dân muốn chế độ sụp đổ" là khẩu hiệu của người biểu tình trong ngày 15-4, tương tự khẩu hiệu của người dân Ai Cập xuống đường trong Mùa xuân Ả Rập năm 2011 dẫn đến lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak.

Tuy nhiên, quy mô của cuộc biểu tình ngày 15-4 khiêm tốn hơn rất nhiều so với các cuộc đại biểu tình ở Cairo trong Mùa xuân Ả Rập năm 2011.

Năm 2013, hàng triệu người Ai Cập tiếp tục xuống đường biểu tình lật đổ Tổng thống dân sự Mohamed Morsi thuộc Phong trào Anh em Hồi giáo. Lên thay ông Morsi là ông Abdel Fattah al-Sisi đại diện quân đội.

Ông Morsi bị tống tù sau đó. Phong trào Anh em Hồi giáo bị liệt vào hàng khủng bố và bị trấn áp mạnh, hơn 1.000 người ủng hộ tổ chức này đã bị giết. Tổ chức này cũng bị cấm tụ tập từ đầu năm 2014.

Cuộc biểu tình chống chính phủ có quy mô lớn nhất Ai Cập trong hai năm nay có thể dẫn đến một làn sóng Mùa xuân Ả Rập mới. (Ảnh: AFP)

Nhiều nhà bình luận chính trị nhận định cuộc biểu tình lật đổ chính phủ ngày 15-4 không hẳn chỉ vì chính phủ ông Sisi giao hai hòn đảo cho Saudi Arabia.

“Hành động của chính phủ đã dập tắt mọi hy vọng của chúng tôi khi bắt đầu cuộc biểu tình lật đổ chính phủ ông Mubarak ngày 25-1-2011" - hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời một người biểu tình tên Dawud.

Tổng thống Sisi dù bị phong trào Anh em Hồi giáo và nhiều người hoạt động cánh tả phản đối nhưng cũng được nhiều thành phần khác ủng hộ, cho rằng Ai Cập cần một lãnh đạo cứng rắn để vực dậy nền kinh tế lụn bại sau nhiều năm bất ổn chính trị. Tuy nhiên, sự ủng hộ này đã bắt đầu lung lay trong vài tháng gần đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm