128 nước lên án quyết định Mỹ về Jerusalem

Mặc các đe dọa cắt viện trợ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và “ghim tên” từ đại sứ Mỹ tại LHQ Niki Haley, 128 nước vẫn bỏ phiếu thuận thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.

Nghị quyết không có giá trị ràng buộc pháp lý nhưng có ý nghĩa chính trị lớn. Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gọi đây là “chiến thắng cho Palestine”. Trên Twitter, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nói kết quả bỏ phiếu là sự bác bỏ của cộng đồng thế giới với sự hăm dọa của chính phủ Trump. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ kết quả bỏ phiếu, mô tả nghị quyết là “vô lý”.

Người dân Palestine tại Dảo Gaza theo dõi kết quả bỏ phiếu của Đại Hội đồng LHQ về Jerusalem ngày 21-12. Ảnh: REUTERS
Người dân Palestine tại dải Gaza theo dõi kết quả bỏ phiếu của Đại Hội đồng LHQ về Jerusalem ngày 21-12. Ảnh: REUTERS

Ngày 20-12 ông Trump tuyên bố sẽ cắt viện trợ nước nào bỏ phiếu chống lại Mỹ về vụ Jerusalem. Trước đó bà Haley vừa viết trên Twitter vừa gửi thư đến cả 180 nước cảnh cáo Mỹ sẽ “ghim tên” nước nào bỏ phiếu chống lại Mỹ. Nghị quyết này do Ai Cập soạn thảo, đã không qua được cửa Hội đồng Bảo an LHQ dù được tới 14 nước ủng hộ, vì vướng phiếu phủ quyết của Mỹ.

Ngay sau phiên bỏ phiếu của Đại Hội đồng LHQ ngày 21-12, trước 193 nước thành viên, bà Haley tiếp tục cảnh cáo: “Mỹ sẽ ghi nhớ ngày này, ngày Mỹ bị tấn công ở Đại Hội đồng LHQ vì đã thực hiện quyền của một nước có chủ quyền. Chúng tôi sẽ ghi nhớ khi chúng tôi một lần nữa bị kêu gọi trở thành nước đóng góp nhiều nhất cho LHQ. Chúng tôi sẽ ghi nhờ khi bị nhiều nước kêu gọi, như họ vẫn thường làm, phải đóng góp nhiều hơn nữa, cũng như sử dụng ảnh hưởng của chúng tôi cho quyền lợi của mình”.

Bên cạnh 128 phiếu thuận có chín phiếu chống và 35 phiếu trắng. 21 nước không bỏ phiếu. Con số phiếu trắng và phiếu chống trong phiên bỏ phiếu này nhiều bất thường so với các phiên bỏ phiếu trước về các nghị quyết liên quan đến Palestine, cho thấy đe dọa của ông Trump đã phần nào có ảnh hưởng.

Các nước bỏ phiếu chống là Guatemala, Honduras, đảo quốc Marshall, Micronesia, Nauru, Palau và Togo và dĩ nhiên cả Mỹ và Israel. Trong số các nước bỏ phiếu trắng có Argentina, Úc, Canada, Colombia, Cộng hòa Czech, Hungary, Mexico, Philippines, Ba Lan, Rwanda, Nam Sudan, Uganda.

Theo Reuters, trường hợp Honduras bỏ phiếu chống có thể liên quan việc trước đó Mỹ phát tín hiệu sẽ công nhận chiến thắng của Tổng thống Juan Orlando Hernandez trong cuộc bầu cử mà Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) cho rằng nên hủy bỏ vì bị cáo buộc gian lận.

Với Mexico, từ khi ông Trump nhậm chức Mexico đã theo đuổi chính sách đối ngoại làm thân hơn với Mỹ. Mục đích theo nhiều nhà ngoại giao là để được Mỹ ưu ái hơn khi Hiệp định Thương mại tự do (NAFTA - giữa Mỹ, Canada và Mexico) có nguy cơ bị phá vỡ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Melvut Cavusoglu trao đổi báo chí sau phiên bỏ phiếu của Đại Hội đồng LHQ ngày 21-12. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Melvut Cavusoglu trao đổi báo chí sau phiên bỏ phiếu của Đại Hội đồng LHQ ngày 21-12. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên theo Reuters, nhưng dù sao vẫn không thể phủ nhận thực tế bị cô lập của Mỹ khi rất nhiều đồng minh phương Tây và Ả Rập bỏ phiếu thuận. Một số đồng minh như Ai Cập, Jordan, Iraq vốn đã nhận rất nhiều hỗ trợ quân sự và kinh tế từ Mỹ.

Trong số đồng minh phương Tây của Mỹ bỏ phiếu thuận là Pháp. Phát biểu sau phiên bỏ phiếu, đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre cho rằng: “Nghị quyết được thông qua hôm nay chỉ khẳng định lại các điều khoản liên quan trong luật quốc tế về Jerusalem”.

Sau phiên bỏ phiếu, bà Haley mời 64 nước đã bỏ phiếu chống, phiếu trắng và không bỏ phiếu cùng dự buổi tiệc chiêu đãi nhằm “cảm ơn tình hữu nghị của các bạn với Mỹ” vào ngày 3-1 tới, theo thư mời Reuters có được.

Về lời đe dọa cắt viện trợ của ông Trump, ngày 21-12 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert minh định cuộc bỏ phiếu sẽ chỉ là một yếu tố để Mỹ cân nhắc chính sách đối ngoại. Số liệu từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ USAID, Mỹ đã chi khoảng 37 tỉ USD hỗ trợ tài chính và quân sự khắp thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm