100 ngày đầu: Ông Trump thất bại trên sân nhà

Đó là nhận xét của GS Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ quốc tế ĐH Maine (Mỹ), khi bình luận về chính sách đối nội của ông Donald Trump trong suốt 100 ngày đầu tiên giữ cương vị tổng thống Mỹ.

100 ngày đầu “thất bại”

. Phóng viên: Thưa giáo sư, giới quan sát đang nhìn lại lời hứa và nhìn vào thành quả mà Tổng thống Trump đã làm trong 100 ngày đầu tiên. Ông bình luận gì về vấn đề này?

+ GS Ngô Vĩnh Long: Về chính sách người nhập cư thì chính quyền ông Trump đã gây rất nhiều xáo trộn trên bình diện tâm lý, xã hội, kinh tế và chính trị. Nhưng thật ra ông chưa trục xuất được bao nhiêu người nhập cư mà chỉ khiến nhiều du khách nước ngoài không muốn thăm Mỹ nữa.

Về chính sách thuế, cuối tháng 4 ông Trump trình trước Quốc hội một đạo luật giảm thuế cho người giàu và các công ty từ 35% xuống đến 15% nhưng Quốc hội Mỹ khó có thể thông qua. Theo tính toán của một cơ quan Quốc hội thì chính sách này sẽ làm gia tăng tình trạng thiếu hụt ngân sách hơn 2.400 tỉ USD trong 10 năm tới. Ông Trump và bộ trưởng tài chính của ông hứa là nếu giảm thuế thì kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 3%/năm trong khoảng thời gian 10 năm đó. Nhưng lời hứa này khó có thể trở thành hiện thực.

Lời hứa “giành lại việc làm” cho người Mỹ cũng không thi hành được. Phần lớn những người mất việc làm trong các lĩnh vực công nghiệp là do làn sóng tự động hóa chứ không phải vì lao động rẻ ở các nước khác hay vì lao động nhập cư. Muốn có thêm công ăn việc làm cho người Mỹ thì phải củng cố giáo dục và y tế trong nước để đào tạo lao động thích ứng với thời đại, chứ không phải là để cạnh tranh với lao động tay chân nước ngoài. Còn nỗ lực phá bỏ đạo luật bảo hiểm y tế Obamacare cũng đã thất bại vì không chứng minh được cho Quốc hội và dân chúng Mỹ, đặc biệt là đối với 24 triệu người hiện nay được bảo hiểm sức khỏe bởi chương trình Obamacare, rằng sẽ có một đạo luật thay thế tốt hơn.

Tổng thống Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng vào ngày 23-1. Ảnh: AFP

“Hỗn loạn” nhất nửa thế kỷ qua

. Thường thì mỗi đời tổng thống Mỹ sẽ xây dựng và theo đuổi cho mình một học thuyết quản trị đất nước. Những thất bại kể trên của ông Trump phải chăng xuất phát từ một học thuyết quản trị không ưu việt?

+ Đúng là thường các đời tổng thống Mỹ trước đây, mỗi người có một học thuyết tương đối rõ ràng để làm kim chỉ nam, giải thích hướng đi chung của chính phủ cho dân chúng trong nước và nhân dân trên thế giới, để khi có biến động thì người ta cũng biết đường mà lần mò. Đối với ông Trump, học thuyết là… không có học thuyết gì cả, không có gì là mạch lạc. Toàn bộ nội các không ổn định.

. Cũng có nhận định cho rằng nội các ông Trump vượt trội hơn những thời tổng thống Mỹ gần đây. Ông có lập luận nào phản biện quan điểm này?

+ Ông Trump đã tuyên bố trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống sẽ đạt những thành quả chưa bao giờ có trong lịch sử nước Mỹ. Nhưng thực chất, theo phân tích của nhiều nhà nghiên cứu thì từ thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt, tức là từ Chiến tranh thế giới thứ hai, chưa bao giờ có rắc rối và hỗn loạn như trong gần 100 ngày qua.

. Hệ thống nội các chưa ổn định tác động thế nào đến chính sách đối nội của ông Trump?

+ Ngoài việc bãi nhiệm những ai chống đối, phần lớn cán bộ cấp cao trong bộ máy hành chính nhà nước mà ông Trump đã sa thải chưa có người được bổ nhiệm để thay thế. Do đó nếu ông ấy có chính sách rõ ràng và mạch lạc đi nữa thì hiện nay cũng không có đủ nhân sự để thi hành. Cho đến nay chính quyền ông Trump hầu như bị tê liệt. Bên ngoài thấy có nhiều xáo trộn nhưng thực chất thì chưa làm được gì cụ thể và tích cực.

Giải mã “trùm” Nhà Trắng Stephen K. Bannon

. Cũng liên quan đến vấn đề nội các, người được cho là “cánh tay phải” của ông Trump là Stephen Bannon đã để lại nhiều dấu ấn trong 100 ngày qua nhưng mới đây cũng bị ông Trump loại khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

+ Có thể Stephen Bannon đã giúp ông Trump chiến thắng bằng cách khuyên ông dùng những tuyên bố bài ngoại, kỳ thị chủng tộc vận động phiếu của nhóm cử tri bất mãn. Nhưng sau khi vào Nhà Trắng thì sắc lệnh cấm nhập cảnh, cũng như sắc lệnh trục xuất những người định cư thiếu giấy tờ hợp pháp đã bị đa số dân chúng Mỹ phản đối. Thêm vào đó, việc báo chí đề cao Bannon là “chiến lược gia” hay “đạo diễn” của ông Trump đã làm ông ấy “bực mình”. Chính ông Trump tuyên bố ông ấy mới là “chiến lược gia của chính mình”.

. Liệu với tình hình hiện nay thì Bannon có bị rời khỏi Nhà Trắng?

+ Tôi nghĩ ông Trump chưa có thể đuổi Bannon ra khỏi Nhà Trắng được vì làm như thế sẽ mất hậu thuẫn của những người đã đầu phiếu cho ông ấy. Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho biết 96% cử tri đã bỏ phiếu cho ông Trump vẫn còn tin tưởng ở ông ấy và vẫn cho là họ đã bỏ phiếu bầu đúng người. Một khi nhiều người trong nhóm cử tri này thấy là họ đã sai lầm hay bị lừa, lúc đó Bannon sẽ hết sứ mệnh.

_______________________

Hôm nay ông Trump nói thế này, ngày mai các cố vấn lại nói thế kia. Và nhiều khi lại nói sai sự thật, không biết là vì thiếu thông tin hay đánh lạc hướng dư luận.

GS NGÔ VĨNH LONG,
chuyên gia quan hệ quốc tế ĐH Maine (Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm