1% thuế người giàu đủ nuôi mọi trẻ em đi học

Sự tập trung ngày càng tăng của sự giàu trên thế giới đã được nhấn mạnh nổi bật trong một báo cáo mới đây của Oxfam, một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và chống bất công. Theo đó, 26 tỉ phú giàu nhất thế giới sở hữu nhiều tài sản bằng 3,8 tỉ người nghèo cộng lại, chiếm một nửa dân số nghèo nhất hành tinh.

Giàu càng giàu, nghèo càng nghèo

Mở đầu Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, trong báo cáo về tình hình giàu nghèo 2018, Oxfam cho biết người giàu càng giàu, người nghèo lại càng nghèo. Báo cáo cho thấy khoảng cách giàu nghèo như hiện nay rất khó để giải quyết bài toán chống đói nghèo. Hơn nữa, 1% thuế từ người giàu (ước tính khoảng 418 tỉ USD/năm) không chỉ đủ cho mọi trẻ em đến trường mà còn cung cấp đủ điều kiện chăm sóc y tế cho gần ba triệu người cận kề cái chết.

Oxfam cho biết tài sản của hơn 2.200 tỉ phú trên toàn cầu đã tăng lên 900 tỉ USD năm 2018, khoảng 2,5 tỉ USD/ngày. Trong khi người giàu trên thế giới tăng bình quân 12% tổng khối tài sản thì người nghèo lại giảm bình quân 11% tổng tài sản của họ. Kết quả là năm 2018, chỉ cần tài sản của 26 tỉ phú cộng lại đã bằng một nửa tổng tài sản của thế giới. Trong khi một năm trước đó phải cần đến tổng tài sản của 43 tỉ phú.

Báo cáo của Oxfam cũng chỉ ra rằng 50% người nghèo nhất thế giới chỉ hưởng được 12 xu trong mỗi USD tăng trưởng thu nhập toàn cầu. Ngược lại, tốp 1% người giàu lại hưởng 27 xu mỗi USD tăng trưởng đó.

Giám đốc chiến lược và chính sách của Oxfam Mather Spencer cho biết: “Sự suy giảm đáng kể số lượng người sống dưới mức nghèo khổ cho thấy những thành tựu tích cực của 1/4 thế kỷ qua nhưng sự bất bình đẳng giàu nghèo lại đang gia tăng báo động”. Vị này lý giải thêm rằng cách vận hành các nền kinh tế thiếu sự công bằng khi một số ít người được nhận các đặc quyền và sự giàu có nhanh chóng tập trung vào họ. Trong khi đó hàng triệu người khác gần như không có bất kỳ điều kiện gì để sinh tồn.

“Phụ nữ đang chết dần chết mòn vì thiếu chăm sóc y tế; trẻ em không được đến trường dù đó chính là con đường thoát nghèo. Không một ai trong số họ bị ép buộc phải chết hay sống trong cảnh mù chữ. Tình trạng này xảy ra đơn giản chỉ vì họ nghèo” - Matthew Spencer nói với Guardian.

Cạnh khu đô thị của số ít người giàu và siêu giàu là cuộc sống của rất nhiều người nghèo và  dưới mức nghèo. Ảnh: REUTERS

Phải cải thiện chính sách thuế

Báo cáo của Oxfam đề xuất các chính phủ cần phải vào cuộc nhằm đảm bảo các khoản thuế thu được từ người giàu và doanh nghiệp phải được đầu tư cho các dịch vụ công miễn phí. Chính quyền các nước cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội nhằm phục vụ cho cuộc sống người dân.

Trong khi đó, tờ Independent dẫn lời các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định rằng tỉ lệ bất bình đẳng toàn cầu hiện nay rất lớn. Và giải pháp của Oxfam - đảm bảo các khoản thu thuế từ tài sản người giàu cần được phân phối một cách hiệu quả hơn để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những gia đình nghèo khó.

Phương pháp đánh giá khoảng cách giàu nghèo của Oxfam dựa vào dữ liệu phân phối tài sản toàn cầu của ngân hàng chuyên cung cấp dịch vụ Credit Suisee Thụy Sĩ giai đoạn tháng 6-2017 đến tháng 6-2018 và danh sách tài sản của các tỉ phú công bố trên tạp chí Forbes tháng 3-2018. 

Thực tế cho thấy tình trạng bất bình đẳng tại nhiều nước ngày càng trở nên tồi tệ hơn vì chính phủ không đầu tư đủ vào các dịch vụ công cộng. Có khoảng 10.000 người chết vì thiếu chăm sóc sức khỏe, 262 triệu trẻ em không được đi học vì không đủ tiền đóng học phí, đồng phục hoặc sách giáo khoa.

Oxfam còn cho biết chính phủ các nước cần phải cải thiện hệ thống ngân sách một cách hiệu quả hơn để có nguồn thu phục vụ việc vận hành và duy trì các hệ thống dịch vụ công. Ví dụ, cần giải quyết nạn trốn thuế, đảm bảo chính sách đánh thuế công bằng hơn, bao gồm cả các tập đoàn và những cá nhân giàu có. Báo cáo Oxfam cũng cho thấy có những người nghèo hơn nhưng phải đóng thuế với mức cao hơn những người giàu, thậm chí là siêu giàu.

Hơn nữa, Oxfam cũng cho biết thêm các quốc gia phát triển hiện nay cũng thất bại trong việc đáp ứng những cam kết hỗ trợ mà lẽ ra có thể giúp tăng thêm hàng tỉ USD để giải quyết tình trạng nghèo khó ở các nước nghèo, nhất là bằng việc áp thuế đối với người siêu giàu.

Nhiều nhà phân tích nhấn mạnh với Independent rằng trong những thập niên gần đây, tỉ lệ dân số thế giới sống trong nghèo đói (dưới 2 USD/ngày) đã giảm mạnh từ 44% vào năm 1980 xuống còn 9,6% vào năm 2015, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Điều này phần lớn là do tăng trưởng kinh tế ở các nước có đông người nghèo như Trung Quốc và Ấn Độ - những quốc gia đang mở cửa cho thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia gần sa mạc Sahara, châu Phi, tình trạng nghèo đói khủng khiếp vẫn gia tăng.

Kinh tế khủng hoảng, số tỉ phú tăng gấp đôi

Nhật báo Guardian dẫn một số thông tin từ báo cáo của Oxfam cho biết:

• 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, số lượng tỉ phú đã tăng gần gấp đôi;

 Từ năm 2017 đến 2018, cứ sau hai ngày lại xuất hiện một tỉ phú mới;

• Tài sản của người giàu nhất thế giới - Jeff Bezos (chủ sở hữu Amazon) tăng lên 112 tỉ USD. Chỉ 1% tài sản của ông tương đương với toàn bộ ngân sách y tế cho Ethiopia, quốc gia 105 triệu dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm