Y án 30 năm tù đối với bầu Kiên

Chiều 15-12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo, y án 30 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là bầu Kiên) vì cho rằng tòa sơ thẩm quy kết bị cáo phạm bốn tội là không oan, mức hình phạt là phù hợp.

Trong năm bị cáo kháng cáo còn lại chỉ duy nhất nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB Lê Vũ Kỳ được giảm từ năm năm tù về tội cố ý làm trái… xuống còn bốn năm tù do “đã ăn năn hối cải, giúp cơ quan điều tra (CQĐT) điều tra vụ án”. Ngoài ra, cũng tội này, nguyên tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải bị y án tám năm tù, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB Trịnh Kim Quang bị y án bốn năm tù, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB Phạm Trung Cang bị y án ba năm tù, nguyên thành viên HĐQT ACB Huỳnh Quang Tuấn bị y án hai năm tù.

Kinh doanh ngành nghề không trong giấy phép

Theo HĐXX, vào thời điểm xảy ra vụ án, chính sách kinh tế của Nhà nước luôn khuyến khích mọi thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp (DN) tham gia các ngành sản xuất, kinh doanh những lĩnh vực, ngành nghề pháp luật không cấm. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định khi thành lập DN phải đăng ký kinh doanh và các DN chỉ được kinh doanh đúng những ngành nghề được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký DN. Nếu muốn kinh doanh thêm ngành nghề mới thì phải đăng ký bổ sung và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. “Mọi trường hợp DN kinh doanh những ngành nghề không nằm trong nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký DN đều được coi là kinh doanh trái phép” - HĐXX khẳng định.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm nghe HĐXX tuyên án. Ảnh: TTXVN

HĐXX xác định các công ty của bầu Kiên đều được thành lập hợp pháp, khi thành lập có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, các công ty này đều không đăng ký kinh doanh các mã ngành 66190 - ủy thác đầu tư tài chính, 66120 - buôn bán chứng khoán thay mặt người khác, 64990 - các hoạt động dịch vụ tài chính khác chưa phân vào đâu… Nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký DN cũng đều không có các mã ngành này.

Theo HĐXX, Luật Đầu tư và nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định đầu tư tài chính là lĩnh vực đầu tư có điều kiện, nhà đầu tư phải tiến hành các thủ tục đăng ký đầu tư và xin cấp giấy chứng nhận đầu tư… Tại phiên tòa phúc thẩm, bầu Kiên thừa nhận các công ty của mình không tiến hành các thủ tục đăng ký đầu tư. Lời khai của bị cáo phù hợp với ý kiến của đại diện Sở KH&ĐT TP Hà Nội, đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM. Như vậy, có căn cứ xác định hoạt động đầu tư của các công ty nói trên là hoạt động đầu tư trái phép.

HĐXX cũng nhận định Công ty Thiên Nam của bầu Kiên không đăng ký mã ngành 46624 - bán buôn vàng bạc kim loại quý. Công ty này được thành lập từ năm 1995, đã nhiều lần thay đổi người đại diện theo pháp luật nhưng không làm thủ tục đăng ký thay đổi là vi phạm.

Từ đó, HĐXX kết luận tòa sơ thẩm tuyên bầu Kiên phạm tội kinh doanh trái phép là có căn cứ, đúng pháp luật. Mức án 20 tháng tù về tội này là tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo.

“Làm méo mó hình ảnh DN chân chính”

Liên quan đến số tiền 718 tỉ đồng được coi là thiệt hại của ACB, tại tòa các bị cáo và luật sư đều cho rằng nghị quyết của thường trực HĐQT ACB về việc ủy thác đi gửi tiền là không trái pháp luật, hành vi gửi tiền không gây hậu quả, số tiền 718 tỉ đang được VietinBank quản lý, ACB không yêu cầu các bị cáo bồi thường...

HĐXX cho rằng ngân hàng thương mại như ACB không có chức năng gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác. Việc ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền là trái quy định của Luật Tổ chức tín dụng 1997. Mọi giao dịch phát sinh từ nghị quyết nói trên là hoạt động trái phép.

Tại tòa, các bị cáo cho rằng mình không phải là chủ thể của tội cố ý làm trái. Theo HĐXX, tuy các bị cáo không phải là cán bộ, công nhân viên chức nhà nước nhưng các bị cáo được đại hội cổ đông của ACB bầu vào HĐQT để điều hành ACB. Hoạt động của các bị cáo theo điều lệ của ACB đã được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn nên các bị cáo là người phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình.

Bầu Kiên khẳng định mình không phải là thành viên của HĐQT, không liên quan đến nghị quyết ủy thác gửi tiền nhưng HĐXX thấy lời trình bày này không có cơ sở. Bởi lẽ tài liệu có trong hồ sơ thể hiện nguyên chủ tịch HĐQT ACB Trần Xuân Giá khai năm 2008, khi ông Trần Mộng Hùng và bầu Kiên rút ra khỏi HĐQT, bầu Kiên đã đề xuất thành lập hội đồng sáng lập. Dù không tham gia HĐQT nhưng các thành viên trong hội đồng sáng lập rất có ảnh hưởng đến việc ra các nghị quyết, hoạt động của ACB.

Các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang đều khai những nội dung thống nhất là từ năm 2008, các chủ trương lớn tại ACB đều do bầu Kiên quyết định, bầu Kiên là người ảnh hưởng lớn nhất tại ACB, chưa người nào làm trái ý kiến của bị cáo.

Các chứng cứ trên chứng tỏ ý kiến của bầu Kiên tại cuộc họp của thường trực HĐQT ACB ngày 22-3-2010 với lời nói “không được làm giảm tổng tài sản của ACB…” đã chi phối và có tính định hướng HĐQT ban hành nghị quyết ủy thác gửi tiền vào ngân hàng khác. HĐXX khẳng định bầu Kiên phải chịu trách nhiệm về chủ trương sai trái này.

Xét hậu quả của vụ án, các bị cáo và luật sư cho rằng hành vi gửi tiền của ACB không bị thiệt hại, VietinBank đang quản lý là không có cơ sở vì đến nay số tiền này chưa thu hồi được. Số tiền này là tài sản của mọi cổ đông ACB, việc số tiền bị thất thoát là thiệt hại chung của cổ đông. Theo HĐXX, việc ACB gửi 718 tỉ đồng vào VietinBank để lấy lãi suất chênh lệch đã làm thay đổi sự lưu thông bình thường của thị trường tiền gửi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, mức lãi suất bị thay đổi, gây ảnh hưởng đến chính sách quản lý của Nhà nước, làm méo mó hình ảnh của các DN làm ăn chân chính…

Cạnh đó, theo HĐXX, việc các bị cáo ra chủ trương cấp hạn mức 700 tỉ đồng cho ACBS thông qua hai công ty ACI và ACI-HN mua cổ phiếu của ACB gây thiệt hại 687 tỉ đồng đã phạm tội cố ý làm trái... (án sơ thẩm phạt bầu Kiên 18 năm tù). Ngoài ra, HĐXX cũng khẳng định việc kết án bầu Kiên về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (20 năm tù) và trốn thuế (sáu năm sáu tháng tù) là không oan, mức án tuyên đúng người, đúng tội.

“Phải xử nghiêm”

Theo HĐXX, hành vi cố ý làm trái… của các bị cáo diễn ra trong một thời gian dài, việc ký kết các hợp đồng giữa các DN có liên quan với nhau đều do một mình bầu Kiên chỉ đạo. Việc chuyển nhượng trái phiếu, cổ phiếu được thực hiện thông qua ACB và các ngân hàng vệ tinh như Kienlongbank, Vietbank đều là các ngân hàng do bầu Kiên thao túng. Hậu quả hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ đối với hàng ngàn cổ đông của ACB mà còn gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chính sách điều tiết, quản lý vĩ mô thông qua hoạt động kinh doanh tiền tệ của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến sự vận hành, phát triển của nền kinh tế. Do đó việc xét xử nghiêm minh đối với các bị cáo là cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm