Xử theo thông lệ, bị sửa án

Sơ thẩm: Xử theo thông lệ

Vụ án này kéo dài từ năm 2007 đến nay mới kết thúc. Theo đó, giữa năm 2007, bà Chín nộp đơn khởi kiện tại TAND quận 12, trình bày rằng bà nhận chuyển nhượng một mảnh đất tại phường Thạnh Lộc và trực tiếp sử dụng từ năm 1981, đã được UBND quận 12 cấp giấy hồng. Bà Nam ở cạnh nhà bà cũng mua đất của người khác chứ không phải là đất của cha ông để lại. Đất giữa hai nhà có phân ranh bằng một mương nước. Bà Chín đã làm rào (trừ con mương) để bảo vệ tài sản chứ không phải để phân ranh. Theo bà Chín, nhà bà vẫn còn một phần diện tích đất ở ngoài tính từ tim của con mương (ngang 1 m, dài 60 m) nên bà yêu cầu tòa xác định lại ranh đất giữa hai nhà bằng cách lấy tim mương nước để xác định.

Tại tòa, bà Chín còn đưa ra ba nhân chứng là người dân địa phương để xác định theo thông lệ tập quán tại đây từ trước đến nay, nếu đất giữa hai nhà mà có mương nước thì lấy tim mương làm ranh giới cho hai nhà.

Trong khi đó, bà Nam phản đối rằng mình đã sử dụng đúng diện tích đất và hiện trạng vị trí giấy tờ nhà đất mà UBND quận 12 đã cấp năm 2002. Do vậy, bà Nam không đồng ý trả lại một nửa diện tích con mương theo yêu cầu của bà Chín.

Xử sơ thẩm hồi tháng 12-2013, TAND quận 12 nhận định trong biên bản hòa giải tranh chấp tại UBND phường trước khi bà Chín khởi kiện, cán bộ địa chính phường có nêu ý kiến: “Theo thói quen của người dân trong khu vực này thường làm nông nghiệp nên ranh mỗi bên thường là mương ranh, tính đến tim mương để thoát nước chung của các hộ. Tốt nhất các bên nên thương lượng với nhau. Ý kiến kết luận của hòa giải đã nêu: Tim mương được coi là ranh hòa giải giữa hai bên. Về phần bà Nam do khi mua đất không biết. Do vậy nếu gia đình bà hiện nay mua lại không sử dụng đúng theo diện tích mua thì nên gặp chủ cũ để thương lượng lại”. Ngoài ra, đối chiếu giấy tờ nhà đất thì thấy công tác đo đạc khi cấp giấy hồng cho bà Nam không chính xác... Từ đó, tòa áp dụng thông lệ “tính tim mương là ranh” ở địa phương, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Chín, buộc bà Nam giao trả một nửa diện tích con mương.

Phúc thẩm: Phải dựa vào giấy tờ

Bà Nam kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, bà Nam cho rằng tòa sơ thẩm chỉ dựa trên “lệ làng”, không quan tâm đến giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền là không phù hợp. Bà Nam cũng cho rằng UBND phường không có ý kiến trong việc tranh chấp này, không tham gia tố tụng. UBND sẽ thực hiện theo quyết định và bản án của tòa. Như vậy, việc tòa sơ thẩm dẫn ý của UBND phường làm cơ sở phán quyết là không phù hợp.

Theo TAND TP.HCM, mương nước nằm trong vùng tiếp giáp đất giữa hai bên. Việc xác định ranh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống cũng như việc quản lý đất đai. Theo Điều 265 Bộ luật Dân sự, ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận của các chủ sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp. Như vậy, việc xác định ranh giới theo luật căn cứ theo các thứ tự đã nêu trên.

Trong vụ này, theo hồ sơ giấy tờ năm 2002 thì mương nước thuộc phần đất bà Nam sử dụng. Cạnh đó, bà Chín trong quá trình sử dụng đất có cắm mốc giới bằng cọc và chừa con mương. Như vậy, việc tòa sơ thẩm xác định một nửa con mương thuộc về bà Chín là không có căn cứ pháp lý. Tòa sơ thẩm dựa trên thông lệ địa phương phán xét mà không dựa trên giấy tờ xác định của cơ quan có thẩm quyền là không đúng. Từ đó, TAND TP đã sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của bà Chín như đã nói.

HOÀNG YẾN

 

Khi nào áp dụng thông lệ, tập quán?

Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong bộ luật này.

(Theo Điều 3 Bộ luật Dân sự)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm