Xử đúng tội để hạn chế bức cung, nhục hình

Còn dùng nhục hình là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự đã dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án và những người tham gia tố tụng khác.

Theo tôi, một trong các giải pháp góp phần hạn chế bức cung, nhục hình là phải truy tố, xét xử đúng tội nhằm răn đe, giáo dục, tuyên truyền pháp luật.

Trong thực tiễn, TAND Tối cao từng hướng dẫn “nếu dùng nhục hình mà làm cho nạn nhân bị chết hoặc bị gây thương tích thì tùy tình tiết của vụ án, cần xử lý thêm về tội vô ý làm chết người, tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người”. Tuy nhiên, hướng dẫn này có từ năm 1986 nên các cơ quan tố tụng không còn nhớ hoặc nếu có nhớ thì cũng cho rằng hướng dẫn không còn hiệu lực. Do đó, hầu hết những vụ dùng nhục hình làm nghi can bị thương, chết bị phát hiện đều chỉ bị xử lý về tội dùng nhục hình (có khung hình phạt nhẹ). Các tòa cũng thường chỉ xử nhẹ, điển hình là vụ năm cán bộ công an ở Tuy Hòa đánh chết anh Ngô Thanh Kiều.

Theo tôi, tội dùng nhục hình chỉ xảy ra khi và chỉ khi cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt người phạm tội theo đúng quy định. Nếu dùng nhục hình mà làm cho nạn nhân bị chết hoặc bị gây thương tích thì tùy trường hợp, cần xử lý thêm về tội vô ý làm chết người, tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người.

Trường hợp nghi can chưa bị khởi tố, còn đang trong giai đoạn “tiền tố tụng” thì mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của họ không phải là dùng nhục hình. Tùy trường hợp, người có hành vi xâm phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng trong BLHS. Nếu chết người thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người... chứ không phải tội dùng nhục hình.

Bức cung, nhục hình thường được nhắc đến như là các hành vi đi liền nhau, hành vi này là tiền đề cho hành vi kia nhưng chúng độc lập với nhau nên nhà làm luật quy định thành hai tội khác nhau. Cần phân biệt hai tội này. Giữa hai tội có nhiều điểm giống và khác nhau, nếu không có hướng dẫn thì dễ bị nhầm lẫn.

Thiết nghĩ các cơ quan tố tụng trung ương cần ban hành thông tư liên tịch về việc định tội danh đối với bức cung, nhục hình nhằm áp dụng thống nhất.

Luật sư ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm