“Xóm nhặt giày”

Mấy năm trở lại đây, các con phố Nguyễn Văn Huyên, Xuân Thủy, Đê La Thành, Giải Phóng… đông vui hơn hẳn. Đó là những khu chợ đêm bán giày cũ nổi tiếng ở Hà Nội. Bất kể những ngày trời mưa hay mùa đông tê tái, những khu phố này vẫn tấp nập người qua lại. Giá bán rất rẻ, chỉ tầm 30.000-100.000 đồng một đôi. Những người tìm đến với những đôi giày cũ này thường chỉ là những người lao động, sinh viên nghèo.

Nằm nép mình trong một con ngõ nhỏ gồ ghề trải đầy nylon, rác rưởi trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội), “xóm nhặt giày” hằng ngày vẫn quần quật mưu sinh trên từng đôi giày rách nát, mất quai, mất đế… Ban đầu họ chỉ là những người buôn bán đồng nát từ miền quê Xuân Trường, Nam Định lên Hà Nội kiếm sống. Trong quá trình nhặt rác và thu mua đồng nát, họ thấy có những đôi giày vẫn lành lặn đã bị người ta vứt bỏ đi, tiếc quá nên lau rửa lại rồi đem đi bán. Vài lần thấy cũng bán được nên họ nghĩ ra cách “độ giày” (sửa giày), chắp vá những bộ phận lành của đôi nọ đem ghép với đôi kia để thành một đôi hoàn chỉnh. Nghề này chỉ cần bỏ công làm lãi, cũng chẳng cần vốn liếng nhiều nên cả xóm rủ nhau cùng làm.

Bới rác tìm giày

Một ngày của xóm bắt đầu từ lúc trời còn tờ mờ sáng. Mới 3 -4 giờ sáng, những phụ nữ đã í ới gọi nhau để ra các bãi tập kết rác ở khu vực Cầu Giấy, Hoàng Mai, Từ Liêm nhặt giày. Họ lấm lem, lao vào tranh cướp, cào cấu, bới tung hết lên để tìm cho ra giày. Những đôi giày, dép ẩn sâu giữa những đống phế thải cao chất ngất đối với những phụ nữ trong xóm nhặt giày này là miếng cơm manh áo, là báu vật được nâng niu trân trọng. Họ có thể là anh em ruột thịt, hàng xóm thân thiết nhưng đến khi nhặt giày thì mạnh ai nấy giành.

“Xóm nhặt giày” ảnh 1

Những đôi giày cũ, rách nát dưới bàn tay của người độ giày trở thành những đôi giày đẹp, bóng nhoáng có giá bán 30.000-100.000 đồng/đôi.

Những bao tải rác khổng lồ vừa mới đổ xuống với đủ các thứ tạp nham, họ vội lao vào cào, cấu, bới. Chẳng ai đeo găng tay vì sợ bệnh tật cả, có lẽ họ đã quá quen với việc bới rác tìm giày như thế này rồi. Chị Hoa run run nhớ lại: “Nhớ những ngày trời mùa đông, rét như cắt da cắt thịt, ra bãi rác đứng còn không vững vậy mà chỉ cần các bao tải trút phế liệu ra là không hiểu sao chị em vẫn lao vào như thể… không còn gì để mất”. Đó là những ngày còn mới vào nghề, nay đã làm lâu năm, chị Hoa có những mối hàng quen nên không phải lo nhiều về chuyện đi lấy hàng nữa.

Chị Nguyễn Thị Huế, mới vào nghề được hai năm nay, chia sẻ: “Vui nhất là bới từ đống rác được những đôi giày vẫn còn lành lặn, chỉ bị sứt chỉ hoặc bật quai, về chỉ cần giặt sạch và khâu lại là có thể đem bán ngay được”. Sáng nào chị Huế cũng dậy từ 3 giờ, cắm vội nồi cơm bỏ đấy rồi cọc cạch đạp xe ra bãi tập kết chờ hàng về. Lặn lội từ miền quê Xuân Trường lên Hà Nội, hai vợ chồng chị để đứa con nhỏ mới hai tuổi cho ông bà nội nuôi để đi nhặt giày, sửa giày, tối mang ra bán. Một nghề làm như ba nghề, cứ quần quật từ sáng tới tối đêm, trừ chi phí đi hai vợ chồng chị cũng để dành được 5-6 triệu đồng mỗi tháng, khá hơn nhiều so với làm ruộng ở quê.

Kỹ nghệ độ giày

7 giờ sáng, những phụ nữ này mệt phờ trở về phòng trọ sau một cuộc chiến giành giật ở đống phế liệu. Chiến lợi phẩm là đủ thể loại giày dép: giày cao gót, dép xăng đan, giày búp bê, combat… Người được nhiều, người được ít. Lúc này đàn ông trong xóm bắt đầu dậy do đêm hôm trước họ dọn hàng muộn. Trong cơn ngái ngủ vẫn ngáp lên ngáp xuống, cánh đàn ông uể oải xách đống giày dép phân ra từng loại: loại hỏng đế, hỏng nơ, hỏng quai, loại mất dây. Trong khi những người đàn ông đem đống giày ra giặt giũ thì cánh phụ nữ quay trở lại dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa ăn sáng.

“Xóm nhặt giày” ảnh 2

Khu phố Nguyễn Văn Huyên là nơi bán giày cũ vào loại lớn nhất Hà Nội với chợ giày trải dọc bên đường dài hàng cây số.Ảnh trong bài: HUỆ BẠCH

Anh Trần Văn Liêm, chồng chị Huế, vừa dụi con mắt đỏ hoe ngái ngủ vừa múc nước từ dưới bể lên để thực hiện công đoạn “tắm” giày. Giày mới nhặt về được cho vào chậu nhựa lớn rồi cho nước xà phòng vào đảo đều. Đến khi giày đã hết mùi hôi thối, ô uế, anh vớt ra hong khô. Cả xóm đông vui như hội, khoảnh sân con của xóm ngổn ngang những giày lớn, giày con. Cánh đàn ông thi nhau múc nước tắm cho giày, vừa tắm vừa buôn chuyện bán hàng tối qua rôm rả.

Xóm nhặt giày sợ nhất là những ngày trời mưa gió, nước mưa từ trên đường tràn vào trong nhà. Trong những lúc ấy, bao nhiêu giày được gấp rút “cứu hộ” lên gác xép. Thậm chí có đêm, trời mưa to quá, giường ngủ cũng phải nhường cho giày. Trong nhà trọ nhỏ xíu, những đôi giày luôn được ưu tiên để ở những vị trí đẹp để tránh mưa gió. Anh Liêm nói vui: “Người có thể bị ướt chứ giày dép không thể bị ướt!”.

Để có một đôi giày đem bán phải trải qua rất nhiều công đoạn tương đối công phu đòi hỏi người độ giày phải có kinh nghiệm và sáng tạo. Trình độ của người độ giày được thể hiện nhiều nhất ở giai đoạn cắt ghép. Lúc này, những đôi giày đã phơi khô lại được đem phân loại một lượt nữa, những đôi hỏng, rách nát sẽ được tận dụng lấy các bộ phận nơ, quai, đế. Còn lại, những đôi tương đối lành lặn sẽ được người độ giày dùng xi, keo và bật lửa hàn lại. Anh Liêm cho biết một người độ giày sáng tạo phải có con mắt tinh tường, ghép bộ phận của đôi này với đôi kia thật phù hợp. Anh Liêm vừa đánh xi vừa quệt ngang giọt mồ hôi trên trán, nói: “Đơn cử như đôi này, da giày đã hỏng nhưng đế vẫn còn chắc chắn thì lấy đế của đôi này để kết hợp với da giày của đôi khác ghép thành một đôi mới”. Anh Liêm là một người độ giày giỏi ở xóm, anh có thể tận dụng hết các bộ phận, cắt ghép, khâu vá chúng thành những đôi hoàn chỉnh, đẹp như giày mới.

Mùi xi đánh giày nồng nặc bay khắp xóm. Những đôi giày chết, tưởng sẽ nằm yên trong những đống rác rưởi hôi hám giờ đây lại có một sức sống kỳ diệu dưới bàn tay khéo léo của những người độ giày. Chúng được hồi sinh.

Bài học từ những đôi giày

Đang nghỉ hè, xóm có rất đông trẻ con. Chúng là con của các ông bố bà mẹ “nhặt giày” bận tối mắt tối mũi nên ngoài việc phải ngoan, chúng còn phải học nhiều việc: Chạy thu giày khi trời mưa mà bố mẹ vắng nhà, tập nấu nướng, ăn một mình, học cách bới rác tìm giày. Chúng còn học cách bán hàng, thức khuya dậy sớm. Sau nghỉ hè, chúng lại được gửi về quê cho ông bà để đi học, có đứa mỗi năm chỉ được gần bố mẹ vào dịp hè và tết.

Phòng trọ nhỏ của chị Hoa chẳng có gì ngoài những đôi giày vứt lăn lóc, giày trên gác xép, giày ngoài cửa, ngoài sân phơi, giày dưới gầm giường. Vũ, đứa con trai năm tuổi của chị, là thế hệ thứ hai được sinh ra và lớn lên tại xóm “nhặt giày” này. Tuổi thơ của em đã quen với việc dậy từ 3, 4 giờ sáng để bắt đầu hành trình đi tranh cướp giày ở các bãi phế liệu, tập kết đồng nát. Vũ có đôi mắt sáng long lanh, bàn tay nhỏ thoăn thoắt xếp lại những đôi giày cũ cho gọn gàng khi trời chiều chuẩn bị đổ cơn mưa. Tuổi thơ của Vũ gắn liền những đôi giày mà người khác bỏ đi, nằm nhơ nhớp, chỏng chơ giữa các bãi rác lớn nhỏ ở Hà Nội. Đối với Vũ, những đôi giày cũ bỏ đi ấy lại là cả một thế giới rộng mở, là bài học kiếm sống đầu đời trong những năm tháng tuổi thơ. Chị Hoa kể: “Anh chàng nhanh nhẹn lắm, bây giờ sáng nào cũng dậy thật sớm đòi cùng mẹ đi nhặt giày, tối nào cũng đi bán hàng”. Chính bố mẹ Vũ đã dạy cho em bài học đầu tiên về cuộc đời, để em biết rằng kiếm đồng tiền thật không dễ, bao nhiêu mồ hôi đổ xuống đổi lấy đồng bạc lẻ.

Tối nay đắt hàng nên chị Hoa dọn hàng muộn. 22 giờ, không đợi được nữa, Vũ gục đầu ngủ trên tay mẹ ngon lành. Vừa cõng đứa con đang ngủ, chị vừa lúi cúi nhặt giày cho vào bao tải để dọn hàng. Chị Hoa rầu rĩ: “Hơn nửa tháng nữa là hết nghỉ hè, Vũ sẽ được gửi về quê cho ông bà nuôi và đưa đi học chứ cứ ở đây đi nhặt giày mãi rồi đời nó sẽ lại lem luốc như bố mẹ nó thôi”.

HUỆ BẠCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm