Xin lỗi cũng là một nghệ thuật

Đôi khi nó chỉ là những hiểu lầm tạm thời và có thể qua đi nhanh chóng nhưng cũng có lúc nó gây ra những bất hòa lâu dài và tổn thương không thể khắc phục.

Khi nhớ lại chuyện không vui, điều gì khiến bạn đau đớn? Lỗi lầm của người ấy hay việc họ không có một thái độ hợp lý hợp tình khi phạm lỗi.

Xin lỗi cũng là một nghệ thuật cần phải học hỏi. Lời xin lỗi hiệu quả giúp tăng sự đồng cảm với người chịu tổn thương, cho phép họ có cơ hội “xuống thang” chiến tranh. Đồng cảm chính là mấu chốt của sự tha thứ.

Hãy chân thành

Hãy xin lỗi vào thời điểm mà bạn đã cảm thấy thực sự hối hận. Đừng xin lỗi chỉ vì bạn nghĩ nên làm như thế. Người xung quanh có thể gây áp lực khiến bạn phải xin lỗi nhưng bạn nên tránh bất kỳ lời xin lỗi gượng ép nào.

Sự không thành thật của bạn sẽ gây ra cảm giác mất lòng tin lớn hơn.

Trung thực và mở lòng

Để thể hiện sự chân thành của mình khi nói lời xin lỗi, bạn phải trung thực và mở lòng. Khi xin lỗi, hãy sẵn sàng chia sẻ một cách cởi mở và thẳng thắn, cho phép cảm xúc tự do tuôn trào để người ấy có thể nhìn thấu con người bạn. Nếu thực sự hối lỗi, việc để người ấy nhìn thấy phút yếu đuối của bạn sẽ dễ khiến họ dễ cảm thông hơn.

Thừa nhận lỗi

Hãy chịu trách nhiệm cho hành động của mình, thừa nhận sai lầm cũng như tội lỗi, thú nhận bằng lời nói rõ ràng, không quanh co. Điều này đòi hỏi một sự dũng cảm nhất định nhưng cần phải thế.

Giải thích lý do

Đừng để điều này trở thành lời bào chữa. Thay vào đó, hãy giải thích nguyên nhân mà bạn thực hiện những việc đó, lý do tại sao đấy không phải là việc làm đúng đắn và việc đó đã gây ảnh hưởng cho cả bạn lẫn đối phương như thế nào. Đây là cách duy nhất và tốt nhất để tạo sự thông cảm sau khi đã làm mất lòng tin.

Hãy mở đầu câu nói bằng “Anh/em”

Khi bị buộc phải chịu trách nhiệm, bạn có xu hướng đổ thừa cho người khác. Hãy nói về mình thay vì những người có liên quan khác, bằng cách bắt đầu câu với “Anh đã…”, “em đã….”.

Nói “Anh/em xin lỗi”

Đã có ai từng cố gắng xin lỗi bạn mà chưa bao giờ thực sự nói ra từ “xin lỗi” chưa? Nếu có, bạn biết điều đó có thể gây phẫn nộ như thế nào đúng không? Nó cũng là lời xin lỗi vô nghĩa. Một lời xin lỗi hiệu quả luôn bao gồm sự thừa nhận bằng lời nói cụ thể, rằng “Anh/em xin lỗi”.

Đền bù

Người ấy sẽ để ý cách bạn sửa sai. Hãy chuẩn bị trước những điều bạn sẽ rút kinh nghiệm và bù đắp tổn thương cho họ. Đừng làm quá lên, một lời xin lỗi chân thành không nên kèm theo những lời ca tụng hay ăn năn sám hối quá mức.

Không ép người ta phải tha thứ

Sau khi đã xin lỗi xong, việc còn lại là chờ đợi. Điều này có thể rất khó khăn. Trong khoảng thời gian này, hãy tìm cách để giải phóng cảm giác tội lỗi và thoát khỏi mong muốn được tha thứ.

Người mà bạn xin lỗi phải có thời gian và không gian để nguôi ngoai, hãy để họ làm những gì họ muốn. Có khả năng mối quan hệ của bạn sẽ phải thay đổi nhưng điều đó là cần thiết nếu bạn vẫn muốn duy trì.

Xin lỗi không khiến bạn yếu đuối hơn

Thừa nhận và đưa ra lời xin lỗi là một việc khó khăn. Cách dễ hơn là “lơ đi” nhưng bạn đã chọ cách khó hơn, điều ấy chứng tỏ sức mạnh, lòng “can đảm” và sự khôn ngoan của bạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm