Xài thẻ thương binh giả: Cần xử hai tội

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ đã cắt giảm chế độ của 7.000 trường hợp gian lận - giả hồ sơ thương binh, thu hồi ngân sách trên 75 tỉ đồng, chỉ tính trong năm 2012-2013, tại 13 địa phương đã có 609 hồ sơ có sai sót, có tỉnh số hồ sơ thương binh giả lên tới hàng trăm và công an đã khám phá nhiều đường dây làm giả hồ sơ thương, bệnh binh để nhận tiền trợ cấp với số tiền chi trả sai lên tới hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, mỗi nơi xử lý một khác: Có nơi cơ quan điều tra khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có nơi khởi tố về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Vấn đề đặt ra là ngoài tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì hành vi sử dụng thẻ thương binh, bệnh binh giả để lừa dối cơ quan nhà nước còn phạm tội nào nữa?

Đối với người sử dụng thẻ thương binh, bệnh binh giả, họ không chỉ được hưởng lợi số tiền trợ cấp mà việc sử dụng thẻ thương binh, bệnh binh giả đó đã xâm phạm nghiêm trọng đến chính sách của Đảng và Nhà nước, hành vi của họ đã xúc phạm đến những người có công với nước, xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước về chính sách đối với người có công. Như vậy, quan hệ xã hội (khách thể của tội phạm) bị xâm phạm không chỉ là số tiền mà Nhà nước bị mất mà còn xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước (quan hệ xã hội này còn quan trọng hơn cả tiền bạc).

Khi truy tố tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, cơ quan tố tụng thường áp dụng khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 267 Bộ luật Hình sự vì hành vi sử dụng thẻ thương binh, bệnh binh giả phải coi là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, một phần do Điều 267 Bộ luật Hình sự quy định không rõ ràng, tên tội danh là “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” chứ không quy định tội “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” nên có quan điểm cho rằng người sử dụng thẻ thương binh, bệnh binh giả chỉ có hành vi “sử dụng” nhưng lại bị định tội là “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” là không phù hợp. Đây là một hạn chế về kỹ thuật lập pháp. Lẽ ra Điều 267 Bộ luật Hình sự phải quy định tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân”. Ai có hành vi làm bằng giả thì định tội là “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, nếu ai có nhiệm vụ sử dụng thì định tội là “sử dụng tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân”. Cũng nói thêm, không chỉ có Điều 267 Bộ luật Hình sự mà đối với một số tội phạm khác như “tội chống người thi hành công vụ” (Điều 257), ngoài hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực” thì điều văn của điều luật còn quy định hành vi dùng thủ đoạn khác “cản trở” người thi hành công vụ hoặc “ép buộc” họ thực hiện hành vi trái pháp luật mà các hành vi này không phải là hành vi “chống lại” người thi hành công vụ nhưng vẫn bị định tội “chống người thi hành công vụ”. Về kỹ thuật lập pháp cần quy định cụ thể nhưng không vì thế mà cho rằng người sử dụng thẻ thương binh, bệnh binh giả không phạm tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Tóm lại, đối với hành vi sử dụng thẻ thương binh, bệnh binh giả cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 và tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 Bộ luật Hình sự. Có như vậy mới có tác dụng đấu tranh phòng, chống tình trạng sử dụng thẻ thương binh, bệnh binh giả.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm