Xác định tư cách tham gia tố tụng: Nhiều thẩm phán chưa thuộc bài!

Giải quyết chuyện này, có nhiều thẩm phán chưa… thuộc bài, gây ức chế cho những người liên quan.

Chẳng hạn trong vụ án Huyền Như và vụ án “bầu” Kiên, nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân không nhận mình là nguyên đơn dân sự, không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, không đồng ý tham gia phiên tòa, thậm chí không đến phiên tòa nhưng tòa án vẫn xác định họ là nguyên đơn dân sự. Trong khi Bộ luật Tố tụng hình sự quy định điều kiện cần và đủ để trở thành nguyên đơn dân sự là ngoài thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, còn phải có đơn yêu cầu; nếu họ bị thiệt hại nhưng không có đơn yêu cầu thì không được xác định họ là nguyên đơn dân sự. Khi họ khiếu nại thì chủ tọa phiên tòa lại giải thích: “Chúng tôi xác định theo VKS. Trong quá trình xét xử nếu có gì thay đổi sẽ giải quyết sau”. Giải thích như vậy là không đúng pháp luật vì khi tòa án thụ lý vụ án, thẩm phán được phân công làm chủ tọa phải nghiên cứu hồ sơ và quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong đó ghi đầy đủ những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Đổ việc xác định tư cách tham gia tố tụng cho VKS là chưa thấy hết trách nhiệm của tòa. Cạnh đó, pháp luật tố tụng cũng quy định nếu tại phiên tòa người được tòa án xác định không còn tư cách như trong quyết định đưa vụ án ra xét xử nữa thì HĐXX xem xét quyết định, tùy thuộc vào giai đoạn xét xử và yêu cầu của những người tham gia tố tụng hoặc kiểm sát viên tham gia phiên tòa, chứ không phải chờ đến khi nghị án mới quyết định. Cách khác, tòa phải giải quyết ngay khi tiếp nhận khiếu nại chứ không đợi đến khi nghị án mới giải quyết khiếu nại về tư cách tham gia tố tụng.

Tương tự, trong phiên tòa dân sự tại TAND quận 2 (TP.HCM) mới đây, ngay trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư của bị đơn đã đề nghị tòa xem xét tư cách của bà M., đại diện nguyên đơn. Luật sư nêu rằng trước đây giám đốc cũ của nguyên đơn ký giấy ủy quyền cho bà M. nhưng đến khi mở phiên xử thì người này đã nghỉ hưu, vậy giấy ủy quyền có còn hiệu lực? Luật sư cũng nêu nghi vấn là giấy ủy quyền bị giả mạo… Với đề đạt chính đáng này, lẽ ra tòa phải hội ý, yêu cầu luật sư cung cấp tài liệu để xem xét, giải quyết ngay nhưng lại hứa là “sẽ xem xét đề nghị của luật sư trong giờ nghị án”. Điều này vừa không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự vừa gây căng thẳng, bức xúc cho những người tham gia tố tụng.

Theo quy định, xác định tư cách tham gia tố tụng không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng. Đối với các vụ án “phi” hình sự, trách nhiệm này là của tòa án mà trực tiếp là thẩm phán được phân công giải quyết vụ án. Đối với án hình sự, nó là của cơ quan điều tra, điều tra viên; VKS, kiểm sát viên; tòa án và thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa. Tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng, khi có tranh cãi, khiếu nại, cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết ngay. Trong giai đoạn xét xử, tòa án phải hội ý, giải quyết khi tiếp nhận việc tranh cãi này chứ không phải đợi đến khi nghị án mới quyết định. Tiếc là nhiều thẩm phán chưa thuộc bài, gây ức chế cho những người liên quan, thậm chí xác định tư cách tố tụng sai, dẫn đến án bị hủy để điều tra, xét xử lại...

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm