Vụ ép bạn học cầm xe trả nợ do thi hộ bị lộ: Ba bị cáo sẽ kháng cáo

Vụ ép bạn học cầm xe trả nợ do thi hộ bị lộ: Ba bị cáo sẽ kháng cáo ảnh 1

Hùng, Hiếu, Đạo bày tỏ sự ân hận vì hành vi sai trái của mình.

Bỏ qua những phân tích pháp lý của luật sư về cấu thành tội phạm giữa hai tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản, tòa vẫn tuyên ba bị cáo Võ Quốc Hùng, Nguyễn Trung Hiếu và Lê Văn Đạo mỗi bị cáo ba năm tù cùng về tội cướp tài sản.

Theo tòa, hành vi của các bị cáo là dùng vũ lực, dùng sức mạnh vật chất tác động lên cơ thể nạn nhân (Đạo đạp vào mặt nạn nhân Tiến) để chiếm đoạt tài sản nên đã cấu thành tội cướp tài sản.

Việc mang 7 triệu đồng đã lấy của nạn nhân đến cơ quan điều tra nộp lại không được xem là tình tiết giảm nhẹ đã tự nguyện khắc phục hậu quả do “các bị cáo nộp tại cơ quan điều tra”.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tháng 9-2013, Hùng (sinh viên năm tư Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) và một người bạn nhờ anh Trần Văn Tiến (học cùng trường) thi tốt nghiệp môn Anh văn giùm. Anh Tiến ra giá 10 triệu đồng. Hùng và bạn đưa trước 6 triệu đồng, hẹn đậu tốt nghiệp sẽ trả hết. Đến ngày thi, anh Tiến nhờ người vào thi hộ.

Sự việc bị phát hiện, Hùng và bạn bị đình chỉ một năm. Anh Tiến bèn hứa sẽ đưa 30 triệu đồng để Hùng và bạn không khai là anh Tiến có liên quan.

Sau đó, Hùng nhiều lần tìm anh Tiến đòi tiền nhưng không được. Ngày 17-12-2013, Hùng nhờ Nguyễn Trung Hiếu (học cùng trường) đòi nợ giúp. Hiếu gọi thêm Lê Văn Đạo (sinh viên Trường ĐH Thể dục Thể thao TP.HCM). Hùng và anh Tiến đến quán cà phê nói chuyện nợ nần. Hiếu và Đạo đi theo.

Tại quán cà phê, anh Tiến nói không có tiền trả ngay thì bị Đạo đạp vào mặt. Hiếu thì lệnh cho anh Tiến: “Trong vòng 15 phút phải mượn được 15 triệu đồng, nếu không gọi bạn đến nhận xác”.

Tiến nói mang xe đi cầm lấy tiền trả. Do xe đã cũ nên Tiến gọi điện thoại cho bạn học mượn xe khác đi cầm nhưng không được đồng ý. Hiếu bèn giật điện thoại nói với bạn anh Tiến: “Mày không mang xe ra thì không nhìn thấy mặt thằng Tiến nữa”.

Lo sợ, bạn anh Tiến nhờ người mang xe máy Yamaha Sirius của mình đến. Không cầm được xe do không phải chính chủ, Hùng chở anh Tiến đến trường tìm chủ xe. Tìm được chủ xe, Hùng chở anh Tiến về lại quán cà phê rồi cùng chủ xe đi cầm xe lấy 7 triệu đồng. Hiếu yêu cầu anh Tiến viết giấy nợ 23 triệu đồng, anh Tiến không chịu thì bị Đạo cầm ly nhựa dọa đánh.

Số tiền cầm xe, Hiếu đưa cho Hùng 2 triệu đồng, còn lại Hiếu giữ. Từ tố giác của anh Tiến, Hùng và Hiếu bị bắt ngay trong ngày, còn Đạo thì đến ngày 6-3-2014 ra đầu thú.

Hùng, Hiếu, Đạo bị khởi tố, truy tố về tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS). Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng các bị cáo phạm tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135 BLHS) mới đúng vì mức độ dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực của các bị cáo chưa đến mức mãnh liệt khiến cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự.

Phần tranh luận, các luật sư cũng cho rằng truy tố ba bị cáo về tội cướp tài sản là không có căn cứ. Bởi lẽ sự việc xảy ra ở nơi đông người (quán cà phê), các bị cáo không dùng vũ lực ngay tức khắc.

Theo người bị hại khai tại tòa thì anh này viết giấy nhận nợ không phải do lo sợ hành vi dùng vũ lực. Tuy các bị cáo có ép người bị hại cầm xe, viết giấy nợ nhưng người bị hại chưa đến mức bị tê liệt ý chí. Người bị hại hoàn toàn có đủ thời gian, điều kiện để suy nghĩ, cân nhắc, tiến tới một hành động có lợi hơn như chống cự, tri hô, bỏ chạy… nhưng lại không làm. Do đó hành vi của các bị cáo phù hợp với tội cưỡng đoạt tài sản.

Cha mẹ của Hùng, Hiếu, Đạo cho biết ba bị cáo sẽ kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại về mặt tội danh và việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trong vụ án.

 

Một thẩm phán TAND Tối cao nhận xét về vụ án: “Các bị cáo không dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt tiền hay xe. Nạn nhân bị ép buộc và đồng ý mượn xe đi cầm. Tội cưỡng đoạt hoàn thành từ khi phía nạn nhân mang tài sản đi cầm, sau đó giao tiền, khi chưa đủ theo thỏa thuận thì viết giấy nợ.

Những chuỗi hành vi này rõ ràng không phù hợp với cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản. Một điểm nữa là trường hợp các bị cáo tự nguyện nộp lại số tiền chiếm đoạt trước khi vụ án được đưa ra xét xử thì phải được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ là tự nguyện khắc phục hậu quả chứ không thể nói là do nộp tại CQĐT nên không được xem xét.

Vừa qua, ngày 8-5, TAND Tối cao cũng xử một vụ tương tự về tội cưỡng đoạt tài sản (trước đó, TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm về tội cướp tài sản)”.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm