"VKS nếm món ăn, cơ quan điều tra đi chợ"

Kiểm sát viên còn thụ động

Thạc sĩ Trần Văn Quảng, Phó Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng, cho biết theo quy định, VKS có quyền và trách nhiệm kiểm sát từ đầu các vụ án nhưng hiện nay tối đa cũng chỉ khoảng 40% các vụ việc được VKS kiểm sát điều tra từ đầu. VKS đang rất thụ động trong quá trình điều tra. Do đó đã tồn tại một thực tế nhiều căn cứ, quyết định của VKS hoàn toàn dựa vào việc thu thập tài liệu, chứng cứ của cơ quan điều tra mà không có những bảo đảm để xác định được là việc thu thập chứng cứ đó có đầy đủ, có đúng trình tự pháp luật hay không.

Ông Quảng ví von VKS bây giờ giống một người chuyên nếm các món ăn, còn cơ quan điều tra là người đi chợ mua rau, cá, thịt… về chế biến. “Thông thường, ông Viện chỉ nói cho thêm ít rau thơm, ít ớt vào cho đẹp, còn không biết rau ấy có phải rau sạch hay bị phun thuốc sâu. Con cá mang về có tươi hay ươn cũng không biết…” - ông Quảng cho hay.

Cạnh đó, ông Quảng chỉ ra một bất cập, trong hệ thống cơ quan điều tra có điều tra viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp, ở cấp huyện cũng được bổ nhiệm các điều tra viên cao cấp. Trong khi đó, theo Pháp lệnh Kiểm sát viên vừa được sửa đổi, bổ sung thì cấp tỉnh cũng chỉ đến trung cấp. “Không thể một ông kiểm sát viên cấp huyện lại đi kiểm sát một điều tra viên cao cấp được” - ông Quảng nói.

"VKS nếm món ăn, cơ quan điều tra đi chợ" ảnh 1

KSV đang thực hành quyền công tố tại tòa. Ảnh minh họa: HTD

Yếu về năng lực, trình độ

GS-TS Markus Jäger, thẩm phán tòa án liên bang CHLB Đức, cho biết ở nước Đức, công tố giữ vai trò lãnh đạo điều tra và cảnh sát là người thực hiện việc điều tra. Cảnh sát Đức không được quyền giữ ai quá 24 giờ nếu không xin được lệnh của tòa án. Trường hợp bắt người, cảnh sát phải đánh điện qua viện công tố để cơ quan này xin lệnh của tòa án, cụ thể là xin lệnh của thẩm phán điều tra (người kiểm tra các biện pháp điều tra có hợp hiến, hợp pháp hay không chứ không phải thẩm phán tiến hành xét xử). GS Markus Jäger nhìn nhận theo BLTTHS hiện hành của Việt Nam, kiểm sát viên cũng có quyền đề ra yêu cầu điều tra giống công tố của Đức nhưng việc thực thi lại có phần hạn chế.

Đánh giá về vấn đề này, một số chuyên gia trong nước thừa nhận năng lực, trình độ, kỹ năng kiểm sát viên hiện nay nhìn chung còn rất yếu. Một trong những nguyên nhân là “đầu vào” hiện nay “đang có vấn đề”. Nhiều địa phương tuyển dụng cán bộ rất khó khăn, có nơi phải tuyển cả tại chức...

Ba quan điểm về mô hình VKS

Theo PGS-TS Nguyễn Thái Phúc (Bộ Tư pháp), Nghị quyết 49 định hướng: “Nghiên cứu việc chuyển VKS thành viện công tố, tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra…”. Tuy nhiên, hiện đang có ba nhóm quan điểm xung quanh việc sửa đổi mô hình VKS trong bộ máy nhà nước. Quan điểm thứ nhất không lý giải được một cách thuyết phục rằng mô hình viện công tố thay thế mô hình VKS là một đòi hỏi khách quan. Những người theo quan điểm này mặc nhiên thừa nhận việc chuyển đổi đó và chỉ bàn về hoạt động, tổ chức của viện công tố trong tương lai sẽ thế nào.

Quan điểm thứ hai đặt vấn đề cân nhắc có nên chuyển đổi VKS thành viện công tố (trực thuộc Chính phủ) hay không vì lo ngại khi viện công tố trực thuộc Chính phủ thì không còn cơ sở nào để viện công tố kiểm sát hoạt động tư pháp, đặc biệt là kiểm sát hoạt động xét xử của tòa án.

Quan điểm thứ ba cho rằng việc thu hẹp phạm vi hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật hoặc chuyển đổi mô hình VKS thành viện công tố trong điều kiện hiện nay là một quyết định chưa thực sự thuyết phục cả ở góc độ phương pháp luận cũng như thực tiễn nên phương án tối ưu là hoàn thiện mô hình VKS chứ không phải thay thế nó bằng mô hình viện công tố…

Cần tạo điều kiện cho luật sư

Thạc sĩ Trần Văn Quảng nhận định BLTTHS hiện hành trao cho VKS rất nhiều quyền nhưng VKS không làm đúng, làm đủ và làm hết được các quyền theo quy định của luật. “Tôi cho rằng không cần quy định cho VKS thêm quá nhiều quyền hơn nữa mà cứ thực hiện được như BLTTHS hiện nay thì đã cơ bản đáp ứng được chức năng, nhiệm vụ” - ông Quảng nói.

Cái thiếu hiện nay chính là cơ chế pháp lý để thực hiện tất cả quyền luật định. Chẳng hạn, luật quy định VKS đề ra yêu cầu điều tra nhưng lại không quy định cơ quan điều tra phải chấp hành việc đó thế nào. Hay quy định VKS đọc hồ sơ nhưng lại “quên” quy định khi nào điều tra viên phải đưa hồ sơ cho kiểm sát viên đọc…

Sự tham gia của luật sư chính là một “kênh” quan trọng, góp phần hạn chế những vi phạm của cơ quan điều tra trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ. “Quan điểm của chúng tôi là luật sư vào càng nhiều càng tốt chứ không phải như nhiều địa phương hay một số cơ quan điều tra cho rằng luật sư vào làm phức tạp tình hình” - ông Quảng nhận định.

Quyền im lặng

Ở Đức, nghi phạm có quyền im lặng. Nhà nước không cho phép dùng mọi biện pháp để phá vỡ sự im lặng này. Ngay cả khi chúng tôi biết họ đang giữ một số bí mật thì chúng tôi cũng không dùng các biện pháp tra tấn, nhục hình… để ép họ nói ra.

GS-TS Markus Jäger, thẩm phán tòa án liên bang CHLB Đức

Bị thiệt thòi nếu đi tìm sự thật pháp lý

Theo các chuyên gia Đức thì quan điểm của họ là không cố gắng đi tìm sự thật khách quan mà chỉ tìm sự thật pháp lý. Nói cách khác, các bên tự đưa ra bằng chứng, bên nào mạnh về chứng minh hơn, bên nào thuyết phục được tòa án thì tòa sẽ phán quyết theo hướng đó. Nếu Việt Nam cũng đi theo con đường như vậy, tôi cho rằng thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về phía bị can, bị cáo vì phía công tố là các chuyên gia, đội ngũ hùng hậu. Trong khi đó, hiện nay mới chỉ có 20% bị can, bị cáo có luật sư giúp đỡ.

Phó Chánh án TAND Tối cao TRẦN VĂN ĐỘ

Bên buộc tội và gỡ tội phải bình đẳng tại tòa

Đạt được chân lý khách quan trong vụ án hình sự là nhiệm vụ của tố tụng hình sự. Nguyên tắc tranh tụng là một trong những phương cách tốt nhất để đạt được mục đích đó. Nếu không thừa nhận tranh tụng, không thừa nhận sự bình đẳng của các bên ở phiên tòa dẫn đến công tố có nhiều quyền hơn bào chữa thì phán quyết của tòa khi đó sẽ rất dễ phiến diện.

PGS-TS NGUYỄN THÁI PHÚC (Bộ Tư pháp)

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm