THÔNG TIN VỀ VỤ ÁN Ở CÔNG TY HỮU SINH (VĨNH PHÚC):

Việc khởi tố điều tra là có căn cứ, đúng pháp luật

Việc khởi tố là có căn cứ

Vụ án này được Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố theo Quyết định số 05/C46 ngày 6-1-2011. Quyết định này ghi rõ: Căn cứ “Hành vi rút số tiền 6,8 tỷ đồng từ quỹ của Cty TNHH Hữu Sinh theo phiếu chi khống số 19-7 ngày 26-7-2007”. Do xác định có dấu hiệu tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cơ quan điều tra đã khởi tố và gửi quyết định tố tụng này đến Viện KSND Tối cao phê chuẩn và kiểm sát điều tra.

Tuy nhiên có thông tin nói rằng, cùng ngày cơ quan điều tra khởi tố, một số cá nhân trong Cty Hữu Sinh cũng mời kiểm toán độc lập và đơn vị này xác định không có khoản tiền 6,8 tỷ đồng bị mất hay thất thoát, khiến dư luận nghi ngờ việc làm của Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Về việc này, theo ý kiến luật gia Bạch Hùng Dương (Văn phòng Luật sư Kỳ và cộng sự, Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc một doanh nghiệp kiểm toán vào làm việc theo yêu cầu của đối tượng đang bị khởi tố điều tra thì dù bất luận kết quả thế nào cũng không có giá trị chứng cứ pháp lý.

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chỉ những chứng cứ do các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập sau khi khởi tố vụ án thì mới được xem xét xác định các dấu hiệu tội phạm. Đơn vị kiểm toán không phải do cơ quan điều tra trưng cầu lại đơn phương ra kết quả, thì kết quả ấy không được là căn cứ để cơ quan điều tra quyết định đình chỉ vụ án.

Mặt khác, theo phiếu chi số 19-7 ngày 26-7-2007, thì Cty Hữu Sinh phải đưa cho một sáng lập viên Cty là ông Đỗ Khắc Hưng số tiền 6,8 tỷ đồng (tiền vay) nhưng thực tế phiếu chi đó là khống và đến nay ông Hưng chưa cầm khoản tiền này. Trong khi đó, sổ quỹ tiền mặt của Cty Hữu Sinh đầu ngày 25-7-2007 có số dư hơn 10,009 tỷ đồng, trong ngày phát sinh 4 khoản chi, trong đó có khoản chi 6,8 tỷ đồng ghi: “Ông Hưng vay Cty theo HĐ vay tiền số 01 ngày 20-7-2007” nhưng cuối ngày số dư quỹ tiền mặt chỉ còn hơn 3,172 tỷ đồng. Bất kỳ ai khi kiểm tra sổ quỹ đều khẳng định rằng số tiền trên bị rút ra là thật, trong khi người ký thì lại khẳng định không nhận được khoản tiền 6,8 tỷ đồng nào như đã nêu. Luật gia Dương kết luận: “Như vậy, với phiếu chi khống này thì việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo dấu hiệu này là có cơ sở”.

Việc khởi tố điều tra là có căn cứ, đúng pháp luật ảnh 1

Quyết định khởi tố vụ án của Bộ Công an

Không thể “đánh tráo khái niệm”

Để ý kiến phê phán Cơ quan CSĐT Bộ Công an thêm nặng ký, một số thông tin đã viện dẫn các văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Phúc… nói rằng, Cty Hữu Sinh chấp hành đúng quy định của pháp luật về quản lý sử dụng đất đai, nhưng không hiểu vì sao Cơ quan CSĐT Bộ Công an vẫn cố tình khởi tố (!?).

Theo luật gia Bạch Hùng Dương, Sở TN-MT và UBND tỉnh chỉ có thể kiểm tra, có ý kiến về những vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của họ (đất đai) với doanh nghiệp, đó là thực hiện chức năng của cơ quan hành pháp. Những cơ quan này hoàn toàn không có chức năng kết luận về những đơn thư tố cáo tội phạm- là thẩm quyền của cơ quan tư pháp, như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án nhân dân các cấp. Mặt khác, dấu hiệu tội phạm trong vụ án là hành vi rút số tiền 6,8 tỷ đồng từ quỹ của Cty Hữu Sinh, là cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 BLHS, chứ không phải vấn đề quản lý đất đai, không nên “đánh tráo khái niệm”.

Thậm chí có ý kiến nêu việc ngày 24-2-2011, TAND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định tạm đình chỉ vụ án tại Cty Hữu Sinh để “tăng áp lực” với vụ án do cơ quan CSĐT đang thụ lý, hàm ý rằng cơ quan CA cố tình “ép chết” doanh nghiệp. Về việc này, luật gia Bạch Hùng Dương giải thích rõ: Vụ án mà TAND tỉnh Vĩnh Phúc tạm đình chỉ là vụ án dân sự được thụ lý theo thủ tục dân sự, do chính ông Đỗ Khắc Hưng và một cá nhân khác khởi kiện. Việc tòa tạm đình chỉ cũng lại do chính 2 ông này đề nghị. Còn vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản là do cơ quan CSĐT khởi tố theo quy định tố tụng hình sự. Hai thủ tục tố tụng này hoàn toàn độc lập với nhau, không nên lẫn lộn.

Cán bộ tố tụng thực hiện nhiệm vụ phải độc lập

Có thông tin nói rằng đã có ý kiến chỉ đạo chuyển vụ việc sang giải quyết dân sự, nhưng cơ quan điều tra không làm với hàm ý cấp dưới không phục tùng cấp trên. Theo giải thích của luật gia Bạch Hùng Dương, khi vụ án đã được khởi tố, cơ quan CSĐT phải thực hiện đúng quy trình tố tụng hình sự, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất cứ cá nhân nào. Ngay cả viện kiểm sát là cơ quan chỉ đạo điều tra muốn đình chỉ vụ án hình sự, chuyển sang giải quyết dân sự thì cũng phải căn cứ vào pháp luật.

Ngoài ra, theo ông Dương, không nên viện lý do khó khăn do phải làm việc với cơ quan điều tra mà bỏ qua những hành vi có dấu hiệu tội phạm. Với dấu hiệu rõ ràng như đã nói ở trên, cơ quan chức năng bắt buộc phải xử lý theo trình tự thủ tục tố tụng hình sự. Nếu chuyển vụ việc sang dân sự là trái pháp luật. Bởi vì pháp chế XHCN đề ra yêu cầu là mọi tội phạm phải được phát hiện và xử lý kịp thời để lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được đảm bảo. Đấy mới là ý nghĩa nhân văn của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Hiến pháp 1992 và Bộ luật Tố tụng hình sự đều đặt ra yêu cầu các cán bộ tiến hành tố tụng khi thực hiện nhiệm vụ phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Cho nên ai đó có ý kiến về vụ án cũng chỉ coi là tham khảo, cơ quan điều tra, công tố tự làm và tự chịu trách nhiệm.

Theo Nhóm phóng viên (PL&XH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm