Vi phạm tố tụng: Những lỗi sơ đẳng!

Nhiều bản án dân sự bị hủy không phải sai về nội dung mà do vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Theo TAND Tối cao, đây là chuyện mà các thẩm phán phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh việc giải quyết án bị kéo dài, xử tới xử lui…

HĐXX giám đốc thẩm TAND Tối cao vừa chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Tối cao, tuyên hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự trong vụ chia tài sản thừa kế tại Cai Lậy (Tiền Giang).

Quên... đương sự

Trước đây, vợ chồng ông BVM mất đi để lại di sản là một căn nhà. Vì căn nhà do một trong số 11 người con của ông bà quản lý, sử dụng nên những người còn lại khởi kiện ra tòa yêu cầu chia thừa kế. Quá trình giải quyết vụ án, tháng 7-2007, các bên đã ngồi lại hòa giải theo hướng không tranh chấp căn nhà với người đang quản lý, sử dụng với điều kiện là phải bán nhà để trả nợ.

Trong buổi hòa giải này có ba đương sự vắng mặt. Nội dung thỏa thuận ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ, đúng ra phải lấy ý kiến bằng văn bản xem họ có đồng ý hay không thì TAND tỉnh Tiền Giang lại... quên và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự. Việc này là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, trái với quy định tại khoản 3 Điều 187 BLTTDS.

Một vụ khác, mới đây Tòa Dân sự TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao, hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà PTA và vợ chồng ông TVT.

Trong giai đoạn phúc thẩm của vụ án này, vợ chồng ông T. (bị đơn) đã ủy quyền cho ông BNTG tham gia tố tụng. Tháng 12-2009, tòa phúc thẩm giao giấy báo triệu tập lần hai cho vợ chồng ông T. Khi nhận giấy báo, đương sự đã có ý kiến đề nghị tòa triệu tập ông G. tham gia phiên xử. Thế nhưng tòa không triệu tập ông G. mà ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm với lý do đương sự được triệu tập hợp lệ nhiều lần không đến.

Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, việc cấp phúc thẩm không tống đạt giấy triệu tập cho người được ủy quyền mà vẫn đình chỉ xét xử là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Vi phạm tố tụng: Những lỗi sơ đẳng! ảnh 1

Sửa chữa thành... án mới

Khoản 1 Điều 240 BLTTDS quy định về việc sửa chữa bản án như sau: “Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai”... Nghị quyết 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng hướng dẫn khá rõ về việc sửa chữa, bổ sung bản án.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có thẩm phán ra thông báo sửa chữa, bổ sung nhưng lại làm thay đổi nội dung của bản án phúc thẩm như vụ tranh chấp ranh đất giữa hai ông VVT và TQH ở huyện Chợ Lách (Bến Tre).

Tháng 2-2004, ông T. khởi kiện yêu cầu tòa xác định lại ranh đất và tháo dỡ bỏ phần hàng rào mà ông cho rằng ông H. đã xây lấn chiếm. Theo ông trình bày, hàng rào ranh giữa ba thửa đất của ông và hai thửa đất của ông H. đã được “hiệp thương” năm 2000 là một đường thẳng. Đến năm 2003, ông H. đã xây lại hàng rào ranh là đường gấp khúc lấn sang đất của ông... Ngược lại, ông H. thì nói mình không lấn ranh đất. Khi xây hàng rào, ông có mời con của ông T. ra xác nhận là đã xây đúng theo biên bản “hiệp thương” năm 2000...

Xử sơ thẩm, TAND huyện Chợ Lách quyết định buộc ông H. phải trả cho ông T. phần đất lấn chiếm có diện tích hơn 14 m2, đồng thời buộc ông H. dỡ bỏ hàng rào tường lưới B40 và những vật lấn qua đất của ông T.

Cả hai bên nguyên, bị đều kháng cáo. Một năm sau, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, công nhận đường ranh đất giữa ba thửa đất của nguyên đơn và đất của bị đơn là một đường thẳng... kèm theo họa đồ.

Bản án này đã bị chánh án TAND tỉnh kiến nghị yêu cầu xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Sau đó, chánh án TAND Tối cao đã có kháng nghị.

Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, việc công nhận ranh đất như án phúc thẩm xác định là có căn cứ. Nhưng thực tế theo ranh đất này thì trên phần đất của ông T. có một phần công trình kiến trúc của ông H. Việc cấp phúc thẩm không buộc ông H. tháo dỡ phần xây cất này là giải quyết không triệt để. Sau đó, TAND tỉnh Bến Tre có ra thông báo sửa chữa, bổ sung bản án với nội dung buộc ông H. tháo dỡ hàng rào, những vật và phần xây dựng khác lấn ranh đất của ông T. Tuy nhiên, thông báo này đã làm thay đổi nội dung quyết định tại bản án đã tuyên, vi phạm tố tụng nghiêm trọng...

Đình chỉ khi chưa xác minh

Tháng 12-2006, ông V. khởi kiện bà H. ra TAND TP Huế đòi số nợ gần 9 triệu đồng gồm cả gốc lẫn lãi. Trong đơn khởi kiện, ông V. ghi rõ địa chỉ của bà H. Thụ lý, TAND TP Huế tống đạt giấy triệu tập cho bà H. qua đường bưu điện thì đều bị gửi trả lại với lý do không tìm thấy địa chỉ. Vì vậy tòa quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện. Không đồng tình, ông V. kháng cáo. TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bác kháng cáo, giữ nguyên quyết định của cấp sơ thẩm.

Quyết định này đã bị chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Mới đây, Tòa Dân sự TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, hủy cả hai quyết định sơ, phúc thẩm để giải quyết lại từ đầu. Theo tòa dân sự, việc tòa sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án, trả đơn là không đúng vì lẽ ra trong trường hợp này, tòa sơ thẩm phải xác minh làm rõ đây là trường hợp chưa tìm được địa chỉ của bị đơn hay bị đơn cố tình giấu địa chỉ. Đến cấp phúc thẩm, tòa không xác minh địa chỉ, không gửi giấy triệu tập bị đơn theo luật định đã cho rằng ông V. chưa đủ điều kiện khởi kiện theo khoản 2 Điều 192, điểm đ khoản 1 Điều 168 BLTTDS để giữ nguyên quyết định của cấp sơ thẩm là không đúng.

Phải xem lại

Một bản án bị hủy sửa do vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng là một điều đáng trách. Bởi chỉ khi thực hiện đúng trình tự tố tụng theo luật định thì quyền lợi của các đương sự mới được đảm bảo. Đồng thời, hiện nay pháp luật tố tụng đã quy định khá đầy đủ và được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn chi tiết cụ thể thông qua các nghị quyết.

Một kiểm sát viên cao cấp  Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao

Cần có chế tài

Hiện nay thế nào là vi phạm tố tụng nghiêm trọng và vi phạm tố tụng chưa đến mức phải hủy, sửa án vẫn là vấn đề đang gây tranh cãi. Thực tiễn tham gia tố tụng, tôi thấy nhiều bản án phúc thẩm thường nhận định là “tuy có vi phạm về mặt tố tụng nhưng chưa đến mức cần phải hủy, sửa nên chỉ cần nêu ra cho cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm…”. Tôi cho rằng những nhận định này là tùy tiện và dễ dãi khi mà TAND Tối cao năm nào cũng nêu ra hàng loạt án dân sự bị hủy, sửa vì vi phạm tố tụng.

Theo tôi, cần có quy định chế tài mạnh đối với những người tiến hành tố tụng mà có án bị hủy, sửa vì vi phạm tố tụng. Chúng ta cần phải kiên quyết chế tài để loại bỏ những trường hợp để sai sót dẫn tới hủy, sửa án nhiều như hiện nay. Không làm nhanh, làm gấp tôi e sẽ bị “lờn thuốc”.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm