VỤ “KHÓ BUỘC TỘI NGƯỜI NHẬN TỘI THAY”

Vẫn truy cứu được tội khai báo gian dối

Sau đó, do trúc trắc giữa hai bên, D. đã khai nhận mình là người nhận tội thay. Báo đặt vấn đề, quy định hiện nay khó xử lý hình sự người nhận tội thay.

Theo Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự, người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều “có thể” được triệu tập đến làm chứng. Điều luật không quy định “và” được triệu tập đến làm chứng thì mới là người làm chứng. Do đó, không nên đặt vấn đề người làm chứng phải là người được cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập thì mới là người làm chứng. Người làm chứng hay người tham gia tố tụng khác là những “khái niệm” do mối quan hệ của họ với vụ án, chứ không phải do cơ quan tiến hành tố tụng xác định (không ai ban phát tư cách tham gia tố tụng cho bất cứ người nào).

Việc cơ quan tiến hành tố tụng xác định đúng hay sai tư cách tham gia tố tụng của họ chỉ là hành vi tố tụng chứ không làm thay đổi tư cách tố tụng. D. chỉ là người làm chứng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định là bị can, bị cáo là không đúng. Hậu quả của việc xác định sai sẽ dẫn đến vụ án bị xử lý sai. Đó là sai lầm nghiêm trọng về tố tụng, chứ không làm thay đổi tư cách tham gia tố tụng. Ở đây đã có sự nhầm lẫn giữa nội dung khái niệm và hình thức (hình thức không phản ánh đúng nội dung).

Cơ quan điều tra tuy không triệu tập D. với tư cách người làm chứng nhưng D. đã đến cơ quan chức năng khai báo, tự nhận mình là người lái xe... tức là D. biết rõ T. mới là người lái xe gây tai nạn. Tuy nhiên, D. lại khai với cơ quan điều tra là mình lái xe. Như vậy, D. là người “biết được những tình tiết liên quan đến vụ án” nhưng đã khai báo gian dối. Do đó, không nên máy móc cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng phải triệu tập với tư cách “người làm chứng” thì mới cấu thành tội “khai báo gian dối”.

Hành vi nhận tội thay của D. chỉ là một dạng của hành vi khai báo gian dối. Bộ luật Hình sự không thể quy định từng hành vi cụ thể nào là hành vi khai báo gian dối mà chỉ quy định khái quát. Còn cụ thể gian dối như thế nào thì phải tùy vào hành vi mà người phạm tội thực hiện. Cũng như đối với tội giết người, nhà làm luật không thể quy định hết cách thức, phương pháp, thủ đoạn, động cơ, mục đích giết người... Nhưng cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải nắm chắc các dấu hiệu cấu thành tội phạm (cấu thành chung và cấu thành cụ thể) thì mới xác định chính xác tội danh được. Do vậy, đòi hỏi phải quy định hành vi “nhận tội thay” là hành vi cấu thành tội gì thì khó có thể đáp ứng được. Nhà làm luật làm sao có thể liệt kê hết có bao nhiêu cách thức, phương pháp, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội trong từng cấu thành tội phạm.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm