Vẫn loay hoay sửa sai “án đụng trần”

Theo ông Jean Philippe Rivaud, Phó Trưởng Công tố Tòa Phúc thẩm Amiens (Pháp), “án đụng trần” ở các nước châu Âu sẽ do tòa án hiến pháp hoặc tòa án liên minh giải quyết.

Gác cổng chặt để hạn chế sai sót

Tuy nhiên, ông Jean Philippe Rivaud nhìn nhận vấn đề quan trọng không kém là phải có cơ chế để “gác cổng” ngay từ khâu giám đốc thẩm, tái thẩm để hạn chế tối đa sai lầm. Theo đó, thủ tục xem xét lại bản án ở Pháp được coi là trường hợp cực kỳ ngoại lệ và luật chỉ cho phép áp dụng trong rất ít vụ án.

Ông Jean Philippe Rivaud ví dụ trong hình sự, có thể xem xét lại bản án cuối cùng nhằm bảo vệ lợi ích của một người phạm tội nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng nếu có chứng cứ đáng tin cậy. Chứng cứ này phải bằng văn bản cho rằng nạn nhân bị giết vẫn còn sống; một trong số nhân chứng bị truy tố và bị buộc tội khai man; một vụ án nhưng có đến hai bản án xử hai thủ phạm khác nhau, sự mâu thuẫn của các bản án là bằng chứng cho sự vô tội của một trong số các bị cáo; có một tình tiết mới mà tòa không biết đến trong ngày xét xử và tình tiết này có thể dẫn đến việc người bị tuyên án có thể không phạm tội...

Thành lập ủy ban thẩm phán?

Theo ông Vũ Thế Đoàn, Phó Chánh Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, hiện còn một số ý kiến tranh luận về việc sẽ xử lý ra sao trong trường hợp quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao bị sai. Theo quy định của luật, quyết định của hội đồng này là quyết định cao nhất trong hoạt động xét xử.

Vẫn loay hoay sửa sai “án đụng trần” ảnh 1

Ông Đoàn nhìn nhận nếu có cơ chế xét lại “án đụng trần” sẽ làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của công chúng đối với hoạt động xét xử, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự và trị an xã hội. Theo đó, những mâu thuẫn trong nhân dân sẽ gần như không có điểm dừng, các đương sự sẽ mất thêm thời gian, tiền bạc theo đuổi những vụ kiện mà không biết đến khi nào mới kết thúc. Điều này đi ngược lại xu hướng đảm bảo tính hiệu lực của bản án, đảm bảo tính ổn định của các quan hệ xã hội.

Tuy nhiên, để cho TAND Tối cao trở thành cơ quan xét xử cao nhất đảm bảo việc áp dụng pháp luật đúng đắn và thống nhất thì về mặt lý luận cần có Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao để xét xử giám đốc thẩm. Ủy ban này sẽ bao gồm những thành viên như Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hiện nay. Còn hội đồng thẩm phán là hội đồng toàn thể các thẩm phán TAND Tối cao để đảm bảo cho việc ra các phán quyết là chính xác, không có sai lầm.

Hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm

Luật sư Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chỉ ra một số hạn chế cần hoàn thiện trong thủ tục giám đốc thẩm. Theo luật sư, luật quy định người bị kết án, người bào chữa được triệu tập tham gia phiên giám đốc thẩm khi tòa thấy cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế việc này hầu như không có. Điều này đã tước bỏ quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa của người bị kết án, vi phạm một trong những nguyên tắc rất quan trọng của tố tụng hình sự. Cạnh đó, việc quy định chánh án có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, sau đó chính những người này lại ngồi chủ tọa phiên tòa xem xét kháng nghị của chính mình làm cho việc giải quyết vụ án không được khách quan...

Phải học cách chấp nhận sai lầm

Ở Pháp cũng có những vụ án oan, sai do sai lầm của thẩm phán hoặc những người tiến hành tố tụng khác. Ngay cả bản thân tôi cũng từng mắc sai lầm. Vì thế, tại Pháp đã có một cuộc cách mạng trong việc xét xử và văn hóa pháp đình để thay đổi tư duy của các thẩm phán. Tòa án rất khó chấp nhận mình sai nhưng giờ đây tư duy đó dần dần đã được thay đổi. Ai cũng có thể mắc sai lầm nên chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận nó.

Ông JEAN PHILIPPE RIVAUD,
Phó Trưởng Công tố Tòa Phúc thẩm Amiens (Pháp)

Phải có cơ chế khéo léo để khắc phục sai sót

Sai sót trong xét xử làm ảnh hưởng xấu đến các nguyên tắc pháp quyền cơ bản như tính công bằng, niềm tin vào các thiết chế nhà nước. Tuy nhiên, sai sót là không thể tránh khỏi trong tất cả tình huống. Vì vậy, mỗi quốc gia cần hình thành cơ chế để xử lý vấn đề này. Quốc hội cần phải lưu ý khi giải quyết các vụ việc nào được xem xét giám đốc thẩm vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của tòa án. Nếu không hạn chế các vụ việc được xem xét lại tại tòa tối cao, tòa sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ này một cách có hiệu quả.

Ông JUAN CARLOS DA SILVA-OCHOA,
thẩm phán cao cấp Tây Ban Nha

THANH LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm