Ủy quyền cho trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, nên không?

Ông D. đồng ý cho ông T. được toàn quyền sử dụng đường dẫn nước tưới tiêu, phục vụ cho việc canh tác sản xuất nông nghiệp.

Được vài năm, gia đình hai bên phát sinh mâu thuẫn. Ông T. lo rằng thỏa thuận miệng giữa ông và ông D. trước đó không có giá trị nên yêu cầu ông D. tiếp tục chuyển nhượng lại đường dẫn nước nêu trên với giá là 15 triệu đồng. Ông D. đồng ý và hai bên đã lập hợp đồng bằng giấy viết tay.

Một năm sau, thấy mâu thuẫn gia đình hai bên trở nên căng thẳng, ông T. chủ động khởi kiện ra TAND một huyện ở Tiền Giang tranh chấp đường dẫn nước để tòa công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên. Đồng thời ông T. cũng kiến nghị UBND huyện điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông D. sau khi trừ diện tích đường dẫn nước đã chuyển nhượng.

Trong quá trình giải quyết, tòa xác định UBND huyện là người liên quan vì yêu cầu của các đương sự có ảnh hưởng đến quyết định cá biệt (quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của ủy ban.

Sau khi nhận được thông báo của tòa, phía ủy ban xác định việc cấp giấy tờ đất cho ông D. là đúng trình tự thủ tục, yêu cầu tòa xét xử theo quy định. Đồng thời người đại diện theo pháp luật của ủy ban là vị chủ tịch đang bận công tác nên ủy quyền cho trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tham gia tố tụng.

Việc ủy quyền này đã làm phát sinh nhiều quan điểm khác nhau. Một số ý kiến cho biết thực tế xét xử những vụ việc tương tự, phía ủy ban ủy quyền cho cán bộ, lãnh đạo cơ quan chuyên môn (kể cả trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường) tham gia tố tụng là rất phổ biến. Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa cũng không hề có ý kiến gì nên phần lớn các tòa đều chấp nhận.

Tuy nhiên, ý kiến ngược lại thì bảo việc tham gia tố tụng của trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với các vụ án như trên là không nên. Bởi lẽ trong quá trình giải án, công tác thu thập chứng cứ luôn yêu cầu phải qua các bước như trích lục hồ sơ địa chính, đo đạc, định giá, thẩm định tại chỗ... Các bước này đòi hỏi tòa phải kết hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Như vậy, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện vừa tham gia trong vụ án với tư cách đương sự, vừa tham gia công tác điều tra, thu thập, đánh giá chứng cứ (thành viên trong Hội đồng định giá...). Điều này ảnh hưởng đến tính khách quan khi giải quyết vụ án.

Các ý kiến phía này cho rằng trong vụ án trên, vị chủ tịch huyện nên ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.

MINH KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm