Phúc thẩm kỳ án “trộm dê”:

Tuyên án vụ kỳ án trộm dê: Bị cáo được giảm nhẹ hình phạt

Bị cáo Nguyệt đứng trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX) và không còn những dấu hiệu hoảng loạn như ở phiên tòa sơ thẩm. Rất đông người dân đến tham dự phiên tòa.

 
Bị cáo Nguyệt đang trả lời HĐXX. Ảnh: Hồng Tú

Tham gia phiên tòa phúc thẩm lần này cũng có bốn luật sư tham gia bào chữa miễn phí cho bị cáo Nguyệt. Tuy nhiên, có một sự thay đổi nhỏ đó là Luật sư Nguyễn Anh Dũng (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) ở phiên tòa phúc thẩm đã được thay bằng luật sư Lê Nguyễn Lê Vi (Đoàn luật sư TP.HCM).

Bốn luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyệt. Ảnh: Hồng Tú

Sau khi làm xong thủ tục thẩm vấn, 8h50, đại diện HĐXX, chủ tọa phiên tòa đã công bố bản án sơ thẩm và bắt đầu phần xét hỏi.

Trả lời các câu hỏi của HĐXX về quyền sở hữu đàn dê, bị cáo Nguyệt vẫn một mực khẳng định đàn dê đó của mình. Chủ tọa đã công bố một số tài liệu trong đó thể hiện có sự thừa nhận của bị cáo về quyền sở hữu đàn dê của cha mẹ bị cáo. Tuy nhiên, các tài liệu này không được bị cáo thừa nhận các nội dung trong đó.

9h45, phiên tòa vẫn tiếp tục phần xét hỏi. Bị cáo nhiều lần bị HĐXX nhắc nhở trả lời vào trọng tâm câu hỏi. Do sức khỏe không tốt và đứng quá lâu, bị cáo được HĐXX cho phép ngồi để trả lời câu hỏi.

Ngoài phòng xét xử, con trai bị cáo (bảy tuổi) đang chơi trò chơi cùng bạn đồng lứa và cũng chưa ý thức được hoàn cảnh của mẹ mình. 


Con trai bị cáo đang chơi trò chơi ngoài phòng xử . Ảnh: Hồng Tú

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Theo hồ sơ vụ án, đêm 28-5-2005, bà Trần Thị Kim Nguyệt thuê người đến chuồng dê của bà Y lùa trộm 52 con dê (giá trị gần 120 triệu đồng) lên xe ô tô chở đi. Sau đó, bà Nguyệt bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, bị cáo nói đàn dê đó của mình, cha mẹ của bị cáo đã bán đàn dê mà không được sự đồng ý của bị cáo. Ngược lại, người bị hại cho rằng đàn dê là của mình đã được mua hợp pháp từ cha mẹ bị cáo.

Đây là một kỳ án được bạn đọc quan tâm theo dõi bởi vụ án tưởng chừng rất đơn giản lại kéo dài 9năm với 14 phiên tòa sơ thẩm được mở ra. Bên cạnh đó, hàng loạt sai phạm của cán bộ tiến hành tố tụng, ngổn ngang những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của vụ án chưa được giải quyết cũng là lý do để gọi đây là kỳ án.

Bà Văn Thị Ỏn, mẹ bị cáo tham dự phiên tòa. Ảnh: Hồng Tú

Vụ án này xảy ra từ tháng 5-2005, kéo dài đến năm 2008 và hồ sơ bị bỏ quên trong tủ từ lúc đó đến năm 2013 mới được nhớ ra nhờ bị cáo khiếu nại. Vào thời gian đó, năm 2010, Chánh án TAND huyện Bắc Bình lại chỉ đạo cho thư ký “tuồng” hồ sơ gồm bảy tài liệu chứng minh quyền sở hữu đàn dê của người bị hại, chứng cứ buộc tội đối bị cáo ra ngoài khiến các tài liệu trên không thu hồi được. Hai quyết định, quyết định xử lý vật chứng số 07 (ghi ngày 29-5-2005) và quyết định cho bảo lĩnh số 11 (ghi ngày 28-8-2008) nhưng thật ra là đều được cán bộ tố tụng lập vào năm … 2013, hai quyết định này được đóng dấu đỏ và chữ ký được photo đè lên con dấu.

Vấn đề mấu chốt trong vụ án này đó là quyền sở hữu đối với đàn dê thuộc về ai. Bị cáo nói của mình, người bị hại nói mua lại từ cha mẹ bị cáo, cha (dượng) bị cáo nói dê của mình, mẹ bị cáo nói dê của bị cáo, các nhân chứng và người có liên quan không biết đàn dê của ai nhưng đều thừa nhận trong đàn dê đó, rất nhiều con là của bị cáo. Vấn đề này HĐXX sơ thẩm vẫn chưa xác định được một cách cụ thể.

10h30 phiên tòa tiếp tục với việc tham gia xét hỏi của HĐXX và đại diện VKS. Tất cả các câu hỏi đều xoay quanh làm rõ nguồn gốc đàn dê, quyền sở hữu đàn dê, việc mua bán giữa cha mẹ bị cáo và phía người bị hại trong vụ án. HĐXX tập trung làm rõ là biên bản kiểm tra đàn dê do đại diện UBND, Công an xã Sông Bình lập.

Tại biên bản này, có nội dung tạm giao cho bà Y (người bị hại) quản lý đàn dê. Các cán bộ liên quan trong biên bản trên thừa nhận trước tòa về tính xác thực của biên bản cũng như sự chứng kiến, có mặt của mình khi lập biên bản.

Người bị hại Lê Thị Kim Y tham gia phiên tòa. Ảnh Hồng Tú

10h45 bị cáo phản ứng vì cho rằng những người này khai báo không trung thực “tại sao tòa lại chỉ mời những nhân chứng có lợi cho bà Y trong khi rất nhiều người chứng kiến khách quan hơn bị cáo đã đề nghị nhưng tòa lại không mời”.

Bị cáo phản ứng với lời khai của những cán bộ đã lập biên bản kiểm tra đàn dê

11h00: Luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, bào chữa cho bị cáo Nguyệt) tham gia xét hỏi ông Bùi Ngọc Thành, Phó trưởng công an xã Sông Bình (thời điểm 2005). Luật sư Thiện hỏi ông Thành "lúc đến lập biên bản kiểm tra đàn dê ông Thành được cử đi với nhiệm vụ gì và công an xã có thẩm quyền giao đàn dê không?"

Ông Thành trả lời lúc đó đi giữ trật tự, kiểm tra xem có bao nhiêu con dê và thừa nhận công an xã không có quyền quyết định giao đàn dê cho ai, “lúc đó tôi mới về công tác, chưa có kinh nghiệm” ông Thành thừa nhận.

Luật sư Thiện tham gia xét hỏi

Tuyên án vụ kỳ án trộm dê: Bị cáo được giảm nhẹ hình phạt ảnh 8
 

Ông Bùi Ngọc Thành, nguyên Phó công an xã Sông Bình trả lời câu hỏi của Luật sư

11h15 Luật sư Lê Quang Y (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai, bào chữa cho bị cáo Nguyệt) tham gia xét hỏi bà Y và bị cáo Nguyệt 

11h33: Luật sư Phan Minh (Đoàn luật sư TP.HCM, bào chữa cho bị cáo Nguyệt) tham gia xét hỏi bà Nguyễn Thị Lâm, người chủ cũ diện tích đất đã bán cho bị cáo Nguyệt làm trang trại nuôi dê. Bà Lâm tố cáo mình không hề ra phòng công chứng ký bán đất cho bà Y nhưng lại có hợp đồng công chứng về việc chuyển nhượng này. Bà Lâm đề nghị HĐXX làm rõ hợp đồng giả mạo được công chứng giữa bà Lâm với bà Y.

Luật sư Thiện hỏi bị cáo về nguồn gốc đàn dê và đã mua tổng cộng bao nhiêu con của những ai.

Bị cáo Nguyệt trả lời đàn dê được tạo lập từ việc mua của bốn người khác nhau


Ông Nguyễn Văn An (người chăn dê) trả lời câu hỏi của HĐXX 

11h40. HĐXX tuyên bố tạm dừng phiên tòa, 13h30 sẽ tiếp tục làm việc.

Tòa tiếp tục phiên làm việc buổi chiều:

11h40: Bị cáo được dẫn giải vào phòng xét xử.

Bị cáo Nguyệt đã khóc, quay người xin được gặp đứa con trai bảy tuổi của mình.

Tuyên án vụ kỳ án trộm dê: Bị cáo được giảm nhẹ hình phạt ảnh 10

Bị cáo Nguyệt khóc tìm con trai bảy tuổi 

13h50: phiên tòa phúc thẩm kỳ án “trộm dê” được tiếp tục xét xử.

Chủ tọa hỏi bà Lê Thị Kim Y: "khi mua đàn dê từ cha mẹ, bị cáo có biết nguồn gốc đàn dê từ đâu mà có không?:

Bà Y trả lời "đàn dê là của cha mẹ bà Nguyệt vì họ có giấy tờ thừa nhận điều này do bị cáo Nguyệt viết".

13h55: chủ tọa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, vị đại diện VKS đọc bản luận tội để bắt đầu phần tranh luận tại phiên tòa.


Đại diện VKS đọc bản luận tội 

Theo bản luận tội, do muốn chiếm đoạt đàn dê, bị cáo Nguyệt đã cũng một số thanh niên đến chuồng dê vào đêm ngày 28-5-2005 lùa đàn dê đi nơi khác nhằm chiếm đoạt. Trong khi đó, có đủ chứng cứ chứng minh đàn dê trên là tài sản hợp pháp của ông Trần Văn Lý (cha dượng) và bà Văn Thị Ỏn (mẹ bị cáo), được chuyển nhượng đúng pháp luật cho bà Lê Thị Kim Y.

Ngoài ra, khi bị cáo và bà Y tranh chấp đàn dê, chính quyền địa phương đã lập biên bản tạm giao cho bà Y quản lý nhưng bị cáo đã lén lút chiếm đoạt đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội trộm cắp tài sản.


Người bị hại cung cấp tài liệu cho HĐXX 

14h05: Các luật sư lần lượt bào chữa cho bị cáo:

Luật sư Phan Minh bào chữa cho bị cáo Nguyệt: "Ngay trong nhiều bản tự khai, ông Lý đã khai đàn dê là của cả hai người (ông Lý và Nguyệt). Mặc dù người bị hại cho rằng mình mua đàn dê trên là hợp pháp, giữa mình với cha mẹ bị cáo có lập hợp đồng nhưng bà Y lại không cung cấp được các tài liệu này và cho rằng bị thất lạc sau khi được tòa trả lại vào năm 2010.

Hiện, toàn bộ các chứng cứ chứng minh quyền sở hữu của bà Y chỉ là các bản giấy photo không được thu thập theo đúng quy định của pháp luật nên nó không có giá trị làm chứng cứ của vụ án".

Luật sư Phan Minh

Bị cáo có đầy đủ các chứng cứ trong hồ sơ, lời khai của những người liên quan chứng minh đàn dê do bị cáo tạo lập, bị cáo lùa đàn dê đi nơi khác là để bảo vệ tài sản của mình; lúc lùa đi có thuê nhiều người nên nói bị cáo lén lút là không đúng.

Chính ông Lê Văn Thái (chồng bà Y) là người tố cáo và có nhiều đơn về hành vi lùa dê của bị cáo, nhưng tòa sơ thẩm lại không triệu tập ông Thái. Nhiều người được cơ quan tố tụng triệu tập tham gia tố tụng nhưng lại thường xuyên thay đổi tư cách tham gia tố tụng từ nhân chứng sang người có quyền nghĩa vụ liên quan, người bị hại …

Trong khi đó, chính các cán bộ tiến hành tố tụng lại có hàng loạt khuyết điểm, sai sót, vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án bị kéo dài và bị bỏ quên trong một thời gian dài, tài liệu vụ án bị thư ký tòa đưa trả cho bà Y trái pháp luật, cán bộ điều tra giả mạo hai quyết định, HĐXX sơ thẩm vi phạm hàng loạt thủ tục tố tụng, …"

14h45: Bổ sung cho luật sư Phan Minh, Luật sư Lê Nguyễn Lê Vi cho rằng, về bản chất, đây chỉ là một tranh chấp dân sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng huyện Bắc Bình đã hình sự hóa, làm oan sai cho bà Nguyệt. Đề nghị HĐXX đình chỉ giải quyết vụ án, trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa.


Luật sư Lê Nguyễn Lê Vi 

Luật sư Nguyễn Toàn Thiện bào chữa: "căn cứ vào đâu để cơ quan tố tụng xác định 52 con dê là của bà Y trong khi ông Lý (người bán cho bà Y) thừa nhận mình chỉ có 14 con. Bị cáo phản ứng quyết liệt và có những hành vi thiếu kiểm soát là do việc xét xử thể hiện thiếu công bằng với bị cáo. Vụ án này đã bị bỏ quên và chính bị cáo là người đi khiếu nại thì cơ quan tố tụng mới nhớ ra để khôi phục việc xét xử. Tâm lý thông thường, nếu đàn dê không phải của mình, bị cáo không dại gì làm như vậy. Vụ án kéo dài chín năm, gây cho bị cáo bao nhiêu thiệt hại là lỗi của cơ quan tố tụng".


Luật sư Nguyễn Toàn Thiện 

"Biên bản kiểm tra hiện trường chuồng dê là một biên bản lạm quyền và chính người lập biên bản đã thừa nhận vì mình mới công tác, thiếu kinh nghiệm. Như vậy, không có chuyện đàn dê được cơ quan có thẩm quyền giao cho bà Y tạm quản lý như nhận định của tòa cấp sơ thẩm"

15h05: Luật sư Lê Quang Y cho rằng, các chứng cứ và lời khai của ông Lý đều xác nhận ông Lý có 14 con trong đàn dê. Vậy cơ sở nào ông Lý có quyền bán cả đàn dê của bị cáo Nguyệt. Mặc dù ông Lý hiện đã mất nhưng HĐXX cũng cần xem lại chi tiết này để làm rõ trách nhiệm của ông Lý.

Việc tách việc mua bán dê với việc chuyển nhượng trang trại ra làm hai để cho rằng việc mua bán là hợp pháp là không đúng, không có căn cứ. Hợp đồng giữa bà Y với cha mẹ bị cáo là mua bán dê và chuyển nhượng đất trang trại. Thật ra, vụ án này đã sớm bế tắc nhưng sau đó qua hồ sơ trong vụ án dân sự năm 2006 phát hiện có biên bản kiểm tra hiện trạng chuồng dê trong đó có nội dung tạm giao cho bà Y quản lý đàn dê. Và đây chính là một trong những cơ sở để cơ quan tố tụng áp đặt việc có tội lên bị cáo, che đi những sai phạm nghiêm trọng như các luật sư đã phân tích.

Chính trong hồ sơ cũng như trong lời khai của những người được triệu tập đã xác định rất rõ bị cáo có quyền sở hữu đối với đàn dê. Vậy thì HĐXX cần phải xác định bị cáo sở hữu bao nhiêu con, ông Lý sở hữu cụ thể bao nhiêu con mới xem xét được trách nhiệm của bị cáo.

15h20: Chủ tọa hỏi bị cáo có cần bổ sung thêm lời bào chữa không. Bị cáo không bổ sung gì thêm.

Đáp lại, đại diện VKS cho rằng, đã có đủ chứng cứ xác định đàn dê thuộc quyền sở hữu của bà Y. Chính quyền xã sông Bình đã có biên bản giao đàn dê cho bà Y tạm quản lý nhưng bị cáo lại lén lút lùa đi nơi khác để chiếm đoạt. Do vậy, xử lý bị cáo về tội trộm cắp tài sản là đúng pháp luật. 

Không đồng ý với tranh luận của kiểm sát viên (KSV), luật sư Thiện đề nghị vị này phải tranh luận nghiêm túc, KSV căn cứ vào đâu nói đủ cơ sơ khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của bà Y đối với đàn dê trong khi người bán cho bà Y thừa nhận mình chỉ có 14 con dê. Có 14 con, đem đi bán 52 con mà KSV cho rằng bán hợp pháp thì không hiểu đã áp dụng qui định pháp luật nào.

Luật sư Phan Minh: "có nhiều quyết định tố tụng được lập khống, photo chữ ký để đưa vào hồ sơ vụ án vậy những tài liệu đó có giá trị không và trách nhiệm nhưng người đã thực hiện việc này như thế nào?".

15h50: Luật sư Lê Quang Y bổ sung, việc chuyển nhượng giữa bà Y và cha mẹ bị cáo được lập thành bốn văn bản chuyển nhượng khác nhau vậy văn bản nào có giá trị để xác định việc chuyển nhượng là hợp pháp cũng cần KSV chỉ rõ.

16h20: Dù các luật sư tiếp tục nêu ý kiến nhưng đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố và không tranh luận thêm.

16h30: Bị cáo được HĐXX cho nói lời sau cùng.

16h45: HĐXX vào nghị án

17h00: HĐXX tuyên án. Theo HĐXX, mặc dù các chứng cứ về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trang trại và đàn dê đã không còn nhưng căn cứ vào lời khai của các nhân chứng và nhiều chứng cứ xác định giao dịch trên là tự nguyện, có thực.

Ngoài ra biên bản kiểm tra chuồng dê được cán bộ lập là đúng quy định, bị cáo cũng tự nguyện ký vào nên việc giao cho bà Y là có căn cứ.

Việc bị cáo lén lút lùa đàn dê đi trong khi bà Y là người quản lý hợp pháp đã thoả dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản.

Tuy bản án sơ thẩm có nhiều thiếu sót nhưng không ảnh hưởng đến tội danh và khung hình phạt đối với bị cáo nên ko cần thiết phải hủy án.

Vụ án có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên bị cáo được giảm một phần hình phạt.

Toà tuyên bị cáo 15 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản, buộc bồi thường cho người bị hại hơn 22 triệu đồng.

HỒNG TÚ-PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm