Tự in sách bán, thời hiệu kiện tính sao?

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh vụ Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM bác kháng cáo của cả hai bên, giữ nguyên bản án sơ thẩm trong vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa ông Đỗ Huy Thái (ngụ quận Gò Vấp) với ông Võ Thành Tân (chủ DNTN sách Thành Nghĩa).

DN sách phải bồi thường

Theo hồ sơ, ông Thái là tác giả đầu sách Phải làm giàu. Tháng 4-2007, ông ký hợp đồng liên kết xuất bản với DNTN sách Thành Nghĩa. Theo đó, DNTN sách Thành Nghĩa được phát hành, khai thác cuốn sách trên gồm hai tập là Tâm thức (giá 40.000 đồng) và Tài lực (giá 45.000 đồng) với số lượng phát hành 1.000 cuốn cho mỗi tập trong vòng hai năm.

Trong quý II-2007, DNTN sách Thành Nghĩa đã in 1.000 cuốn và trả tiền nhuận bút cho ông Thái đầy đủ theo thỏa thuận. Sau đó cũng trong quý này, DN này tiếp tục in tập sách nói trên mà không được sự đồng ý của tác giả. Lần in này trên bìa sách có ghi logo “Trên 15.000 bản đã được bán hết”.

Tháng 11-2013, ông Thái phát hiện hai tập sách có ghi logo “Trên 15.000 bản đã được bán hết” bán trên thị trường. Ông Thái cho rằng DNTN sách Thành Nghĩa đã xâm phạm quyền tác giả của ông và kiện ra tòa, đòi trả nhuận bút cho ông tổng cộng 30.000 bản. Phía DN thì cho rằng logo “Trên 15.000 bản đã được bán hết” chỉ nhằm quảng cáo chứ số lượng thực in là 1.000 cuốn theo đúng giấy phép, DN không tự in thêm, phát hành thêm.

Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên buộc chủ DNTN sách Thành Nghĩa phải trả nhuận bút 30.000 tập sách giá 50.000 đồng (10%) là 150 triệu đồng cho ông Thái. Tòa cũng nhận định hành vi phát hành thêm sách của phía DN là trái luật, gây tổn thất về tinh thần cho ông Thái nên buộc bồi thường thêm 5 triệu đồng.

Áp dụng Luật Thương mại?

Về mặt pháp lý, bạn đọc Đoàn Khắc Độ (học viên Học viện Tư pháp) có gửi ý kiến đến báo cho rằng trong vụ việc trên, chủ DNTN sách Thành Nghĩa đã có hành vi xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 11 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ). Thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm quyền tác giả là quý II-2007 (thời điểm hai tập sách chứa logo “Trên 15.000 bản đã được bán hết” được in).

Theo ông Độ, đây là một vụ án kinh doanh thương mại. Theo hướng dẫn của TAND Tối cao về thủ tục khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại thì “thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định thì thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại là hai năm kể từ ngày đương sự biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Căn cứ hướng dẫn trên thì trước hết phải xem pháp luật chuyên ngành và luật gốc (trường hợp này là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại và BLDS) có quy định về thời hiệu khởi kiện hay không. Nếu có thì áp dụng quy định đó, nếu không thì mới áp dụng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 159 BLTTDS (thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm).

Ở đây, Điều 319 Luật Thương mại có quy định: “Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 luật này”. Do vậy vụ kiện giữa ông Thái với DNTN sách Thành Nghĩa phải áp dụng quy định này để xem xét thời hiệu khởi kiện. Theo quy định này thì ông Thái chỉ có quyền khởi kiện trong thời hạn hai năm kể từ thời điểm quyền tác giả của ông bị xâm phạm (tức từ quý II-2007 đến quý II-2009). Sau quý II-2009 thì ông Thái mất quyền khởi kiện. Ông Thái nộp đơn khởi kiện vào tháng 11-2013 là đã quá hai năm kể từ thời điểm quyền tác giả của ông bị xâm phạm nên vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện.

Khi vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện thì tòa phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Việc tòa vẫn xét xử là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Đương sự có quyền đề nghị chánh án TAND Tối cao hoặc viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Chỉ áp dụng BLDS, BLTTDS

Trao đổi với chúng tôi, các thẩm phán tham gia giải quyết vụ kiện cho biết vụ án này đã được các cấp tòa xác định là tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chứ không phải tranh chấp kinh doanh thương mại. Do đó việc xác định thời hiệu trong vụ án này sẽ căn cứ vào BLDS và BLTTDS chứ không căn cứ vào Luật Thương mại. Mà theo điểm b khoản 3 Điều 159 BLTTDS thì vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện vì kể từ thời điểm ông Thái biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm cho đến khi ông khởi kiện chưa quá hai năm.

Hai luật sư Nguyễn Sa Linh và Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng trong vụ án này, các cấp tòa xác định như trên là đúng. Theo hai luật sư,  tranh chấp về quyền tác giả bị xâm phạm ngoài hợp đồng như vụ án trên sẽ bị điều chỉnh bởi Luật sở hữu trí tuệ, BLDS, BLTTDS chứ không phải là Luật Thương mại.

HOÀNG YẾN

Cách hiểu đúng tinh thần pháp luật

Từ trước tới nay, dù pháp luật có quy định là thời hiệu khởi kiện bắt đầu từ thời điểm phát sinh tranh chấp, thời điểm xảy ra hành vi vi phạm hay thời điểm người bị vi phạm biết được hành vi vi phạm thì trong thực tiễn xét xử, các tòa luôn xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện là thời điểm mà người bị vi phạm biết hoặc phải biết về hành vi vi phạm.

Mặt khác, theo Điều 160 BLTTDS 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì các quy định của BLDS về thời hiệu cũng được áp dụng trong tố tụng dân sự. Điều 161 BLDS 2005 có quy định khoảng thời gian mà người bị vi phạm do hoàn cảnh khách quan không thể biết được quyền lợi của mình đã bị xâm phạm thì không tính vào thời hiệu khởi kiện. Như vậy theo quy định này thì thời hiệu khởi kiện cũng được bắt đầu từ thời điểm người bị vi phạm biết được hành vi vi phạm. Cần lưu ý là Luật Thương mại 2005 không quy định về vấn đề này nên theo Điều 4 Luật Thương mại 2005, tòa án cần phải áp dụng quy định chung của BLDS 2005 để giải quyết (hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của BLDS).

Nói tóm lại, việc tòa án xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là thời điểm người bị vi phạm biết được hành vi vi phạm là đúng với tinh thần của pháp luật.

Thẩm phán NGUYỄN CÔNG PHÚ, Phó Chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm