Truy đến cùng trách nhiệm để không lọt tội

Nếu trước đây TAND TP Tuy Hòa vẫn cứ tuyên án chứ không trả hồ sơ mặc dù còn quá nhiều vấn đề chưa làm rõ, hàng loạt hành vi chưa xem xét… thì nay TAND tỉnh Phú Yên đã quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Trước tiên phải kể đến quyết định đưa nhiều nhân chứng ra tòa, trong đó có việc triệu tập bằng được Phó Công an TP Tuy Hòa Lê Đức Hoàn, người chỉ đạo việc bắt nghi can Ngô Thanh Kiều để rồi sau đó anh đã bị đánh chết. Nói “bằng được” vì trước giờ người ta thường chỉ tập trung truy cứu trách nhiệm của “lính” là những người trực tiếp thực hiện chứ ít khi quan tâm đúng mức đến vai trò của “sếp” là những người ở vị trí chỉ đạo, tổ chức... Bằng chứng là khi năm công an bị truy tố về tội dùng nhục hình thì ông Hoàn chỉ bị xử lý kỷ luật là cảnh cáo. Điều đáng nói là ông Hoàn đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, để xảy ra việc dùng nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (như nhận định của VKS tỉnh Phú Yên lẫn HĐXX phúc thẩm). Nếu tiếp tục “ngó lơ” cho ông như đã từng làm thì làm sao đảm bảo công lý luôn được thực thi, bất kể người vi phạm là ai!

Tiếp nữa là yêu cầu xem xét “sòng phẳng” trách nhiệm pháp lý của bốn công an có tham gia, có thấy người khác đánh anh Kiều mà không can ngăn theo khoản 3 Điều 298 BLHS với mức hình phạt tù từ năm năm đến 12 năm. Như vậy, các bị cáo ắt bị xử nặng cho tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả gây ra chứ không phải là “nhẹ hều” với hai án tù (cao nhất là hai năm), còn lại là treo như cấp sơ thẩm đã tuyên dựa theo khoản thấp nhất của điều luật này.

Bước đầu không thể phủ nhận tính hợp lý của các phán quyết nêu trên. Thế nhưng nếu vụ án chỉ dừng lại ở đây thì sẽ không giải đáp hết các thắc mắc của dư luận. Đơn cử là hành vi đêm khuya 13-5-2012, các công an đã đến nhà còng tay, đưa anh Kiều về trụ sở. Có thể trên thực tế công an vẫn “mời” người tình nghi lên làm việc. Song với các diễn tiến không hay đã xảy ra, liệu có thể dễ dàng chấp nhận hành vi dẫn giải bất thường đó không có dấu hiệu của tội bắt người trái pháp luật? Trong việc thi nhau đánh chết nghi can với 72 vết thương, có đúng đây là dấu hiệu của tội dùng nhục hình hay phải là tội làm chết người trong khi thi hành công vụ hoặc tội giết người…?

Còn rất nhiều việc mà tới đây cấp sơ thẩm phải làm tới nơi tới chốn để có bản án đúng người, đúng tội. Điều này phù hợp với ý chí “truy đến cùng trách nhiệm” của tòa cấp phúc thẩm và đòi hỏi chính đáng của số đông.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm