Trong tố tụng hình sự không có “người giám hộ”

Ngày 31-7-2013, Đỗ Quang Thạch (nguyên trung úy Công an huyện Châu Thành, Tây Ninh) và Phạm Văn Tho bị bắt quả tang khi đang thực hiện một vụ trộm tại cửa hàng điện máy.

Ba tư cách tố tụng khác nhau

Tại cơ quan điều tra, Tho khai nhận trong vòng ba tháng đã cùng Thạch thực hiện tổng cộng hai vụ cướp, bảy vụ trộm và hai vụ lừa đảo. Riêng Thạch từ khi bị bắt không có bất cứ lời khai nào tại cơ quan điều tra và có những biểu hiện bất thường, hay nói năng lảm nhảm nên được đưa đi giám định tâm thần.

Cuối năm 2013, Phân viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương phía Nam kết luận về y học trước, trong và sau khi gây án, Thạch bị tâm thần phân liệt, hiện bệnh đang trong giai đoạn tiến triển. Về pháp luật, tại thời điểm gây án và hiện nay, Thạch không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Từ kết luận này, Thạch được đình chỉ điều tra và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử lần đầu, TAND TP Tây Ninh xác định tư cách tham gia tố tụng của cha mẹ Thạch là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đến quyết định xét xử lần thứ hai, tòa thay đổi tư cách của cha mẹ Thạch thành bị đơn dân sự. Tại phiên xử ngày 31-7-2014, tòa lại đổi tư cách của cha mẹ Thạch thành người giám hộ đương nhiên của Thạch.

Cuối cùng, ngoài hình phạt tù dành cho bị cáo Tho, tòa buộc cha mẹ Thạch phải liên đới với Tho bồi thường cho 11 người bị hại tổng cộng 292 triệu đồng (mỗi bên chịu một nửa).

Bị cáo Phạm Văn Tho (người phải bồi thường một nửa thiệt hại trong vụ án) tranh thủ gặp các con tại phiên xử ngày 31-7. Ảnh: T.TÙNG

Không phải là quan hệ dân sự thông thường

Sau phiên xử, cha mẹ Thạch đã kháng cáo bản án sơ thẩm vì không đồng ý liên đới với bị cáo Tho bồi thường. Phía cha mẹ Thạch cho rằng việc tòa liên tục thay đổi tư cách tố tụng của họ như trên là vi phạm tố tụng. Muốn buộc họ bồi thường thì tòa phải xác định cho rõ một tư cách tố tụng trên các căn cứ pháp lý cụ thể.

Theo cha mẹ Thạch, việc tòa xác định họ là người giám hộ đương nhiên là sai bởi BLTTHS không hề có khái niệm này, trong khi ở đây là bồi thường dân sự trong hình sự chứ không phải đại diện cho người tâm thần trong quan hệ dân sự.

Mặt khác, nếu tòa xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng không ổn vì tư cách này trong tố tụng hình sự không phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự. Còn nếu xác định họ là bị đơn dân sự thì tòa đã vi phạm tố tụng khi tước đi quyền của bị đơn dân sự như được thương lượng việc bồi thường, được khiếu nại việc đòi bồi thường, được thông báo kết quả điều tra có liên quan đến việc đòi bồi thường, được đề nghị thay đổi người tiến hành, người tham gia tố tụng (Điều 53 BLTTHS). Vì suốt quá trình điều tra trước đó, công an đã không gửi cho họ bất kỳ thông báo nào liên quan đến trách nhiệm bồi thường, không mời họ lên để thông báo hoặc hỏi ý kiến cũng như giải quyết khiếu nại về việc bồi thường. Nếu cơ quan điều tra không đảm bảo quyền và nghĩa vụ của bị đơn dân sự mà tòa tuyên họ phải bồi thường là vi phạm tố tụng nghiêm trọng...

Là “bị đơn dân sự” mới đúng

Nhận xét về vụ việc, TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết đúng là trong BLTTHS không có khái niệm người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự. Điều 53 và Điều 54 BLTTHS chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ của hai chủ thể là bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trách nhiệm bồi thường của người giám hộ cho người tâm thần chỉ áp dụng trong quan hệ dân sự thông thường (Điều 67 và Điều 606 BLDS), không áp dụng đối với bồi thường dân sự trong hình sự.

Theo TS Tiến, đúng ra trong vụ này tòa phải xác định cha mẹ Thạch là bị đơn dân sự. Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử lần thứ hai tòa xác định đúng nhưng cuối cùng lại buộc họ bồi thường với tư cách người giám hộ là chưa ổn, cần phải xem xét lại. Ngoài ra, nếu đúng như trình bày của cha mẹ Thạch về việc cơ quan điều tra đã không bảo đảm các quyền, nghĩa vụ của bị đơn dân sự mà tòa vẫn buộc họ bồi thường là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An) cho rằng tòa phúc thẩm cần xác định lại cho đúng tư cách tố tụng của cha mẹ Thạch trong vụ án này.

THANH TÙNG

Hủy án sơ thẩm để khắc phục sai sót

Trong án hình sự, việc xác định đúng tư cách tố tụng của những người tham gia tố tụng là điều bắt buộc vì mỗi tư cách có quyền và nghĩa vụ khác nhau. Trong vụ án này lẽ ra tư cách của cha mẹ Thạch là bị đơn dân sự mà tòa lại xác định thành người giám hộ đương nhiên để buộc trách nhiệm bồi thường là sai. Tòa án cấp phúc thẩm cần phải xem xét hủy án sơ thẩm, giải quyết lại từ đầu để xác định đúng tư cách tố tụng, đảm bảo được các quyền luật định của bị đơn dân sự.

Luật sư ĐẶNG TRƯỜNG THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm