Tranh tụng còn mờ nhạt, do đâu?

Sau tám năm thực thi chiến lược cải cách tư pháp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận xét bước đầu quá trình cải cách đã thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, hướng tới xây dựng nền tư pháp “trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người”. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần định hướng, xây dựng lộ trình, có biện pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.

Do nhận thức và hạn chế từ quy định?

Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba nhìn nhận chủ trương tăng cường tranh tụng tại phiên tòa chưa đạt hiệu quả cao, chưa đúng định hướng. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội; án tồn đọng, oan, sai, bị hủy, bị cải sửa vẫn còn nhiều. Mục tiêu bảo vệ quyền con người chưa được các cán bộ tư pháp đề cao, đã làm cho một bộ phận nhân dân chưa thực sự tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm và chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Theo bà Thu Ba, nguyên nhân có phần do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn xem nhẹ vai trò cải cách tư pháp, thậm chí do lợi ích cục bộ, ngại khó nên có thái độ do dự không đẩy mạnh cải cách, giải quyết vướng mắc mang tính tình thế, chưa bám sát mục tiêu, định hướng.

Tranh tụng còn mờ nhạt, do đâu? ảnh 1

Luật sư đang tranh tụng với VKS tại một phiên tòa lưu động ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Về vấn đề tranh tụng, nhiều ý kiến cũng đồng ý là tại không ít phiên tòa, cuộc tranh luận giữa bên buộc tội và bên gỡ tội còn mờ nhạt. Kiểm sát viên không đủ lý lẽ đối đáp với luật sư, tranh luận không đầy đủ các nội dung luật sư đưa ra. Ngược lại, không ít luật sư (do cơ quan tố tụng chỉ định bào chữa) cũng không nhiệt tình tham gia xét hỏi và tranh luận với kiểm sát viên.

Phân tích về tình hình này, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho rằng pháp luật chưa trang bị cho luật sư đủ phương tiện để họ bảo vệ quyền lợi và chưa đảm bảo cho việc tranh tụng. Chẳng hạn BLTTHS mới chỉ quy định về quyền thu thập chứng cứ, đồ vật cho cơ quan tố tụng mà không quy định trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của người tham gia tố tụng, luật sư. Chưa kể, thực tế có trường hợp luật sư đưa ra chứng cứ, đồ vật... nhưng tòa không chấp nhận, rồi tòa vẫn ra bản án kết tội bị cáo chủ yếu dựa trên chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập. Do đó một số bản án chưa có sức thuyết phục cao, có khi còn oan, sai.

“Có thể nói một số quy định của BLTTHS còn chưa thống nhất, nhiều khi quy định chỉ mang giá trị hình thức nên tranh tụng còn mờ nhạt, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về dân chủ, bình đẳng, công khai trong giải quyết án hình sự” - ông Sơn nói.

Quyền im lặng của bị can 

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh dẫn chứng về vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn và phân tích những khiếm khuyết trong cơ chế kiểm soát hoạt động điều tra. Cơ quan điều tra chưa kết luận bị can có phạm tội hay không nhưng điều tra viên, cán bộ điều tra lại định hướng chứng minh có tội. VKS thực thi kiểm sát điều tra chưa hiệu quả nên cũng không phát hiện được sai sót. Luật sư cũng chưa được tham gia vụ án ngay từ khi khởi tố bị can và được tranh tụng thực sự tại phiên tòa…

“Với cơ chế ấy, hậu quả xảy ra là thế, chưa kể hơn 80% án hình sự không có luật sư tham gia, các cơ quan tố tụng đang hoạt động “độc diễn một mình” thì sao? Phải có cơ chế hữu hiệu để bị can tâm phục, khẩu phục và cộng đồng xã hội tin tưởng hơn vào công lý” - luật sư Thịnh bày tỏ.

Từ đó, luật sư Thịnh đề xuất sửa đổi BLTTHS ghi rõ “quyền im lặng của bị can”, chỉ khai báo khi có mặt luật sư của mình. Như vậy, bên cạnh vai trò của VKS sẽ có thêm luật sư gián tiếp giám sát hoạt động điều tra, phòng ngừa vi phạm tố tụng.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình lại cho rằng “nếu đưa vào thành nguyên tắc mới trong luật cho rõ thì cũng rất tốt, nếu không đưa thì cũng không trở ngại gì”. Theo ông Bình, luật hiện hành không bắt buộc nghi can phải khai báo, chứng minh mình vô tội mà trách nhiệm chứng minh tội phạm là của cơ quan tiến hành tố tụng. Như vậy, họ có quyền giữ im lặng, luật không buộc phải chứng minh.

Tuy nhiên, ông Bình cho biết sẽ kiến nghị bổ sung luật hóa một số nguyên tắc, quy định mới về tranh tụng tại phiên tòa, án lệ... “Trước nay, ngành tư pháp có câu “án tại hồ sơ”, giờ phải sửa đổi nhận thức “án từ tranh tụng” mới trúng” - ông Bình nói.

Một số đề nghị điều chỉnh

- Dừng chủ trương “nghiên cứu chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố”.

- Cụ thể hóa nhiệm vụ, tổ chức lại cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, tập trung về cơ quan điều tra chuyên trách điều tra tất cả án hình sự, các đơn vị khác chỉ tiến hành một số hoạt động điều tra sơ bộ và một số biện pháp điều tra theo yêu cầu ủy thác. Trong đó phân định rõ hoạt động điều tra theo tố tụng và hoạt động trinh sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng đảm bảo kết hợp chặt chẽ công tác trinh sát và hoạt động điều tra theo tố tụng.

- Điều chỉnh chủ trương giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án theo hướng tiếp tục giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm quản lý về thi hành án dân sự, hành chính, còn giao Bộ Công an quản lý về thi hành án hình sự.

LÊ THỊ THU BA, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm