Tội gì cũng không ổn thì không nên truy cứu

Trường hợp mà Pháp Luật TP.HCM vừa phản ánh (bài “Chiếm đoạt tài sản nhưng chưa rõ tội” số ra ngày 18-2) không phải là hãn hữu khi xác định tội danh đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của người bị hại sau khi giết, hiếp, đánh, đuổi...

Nhiều năm chưa ban hành hướng dẫn

Từ những năm 1980, vấn đề này đã nhiều lần được đưa ra bàn thảo nhưng vẫn chưa tìm ra ý kiến xác đáng. Các lần sửa đổi, bổ sung BLHS cũng đều đề cập đến loại hành vi này nhưng cuối cùng cũng không gút được đó là hành vi phạm tội gì.

Trong thực tiễn xét xử, khi gặp trường hợp tương tự, các tòa án đã định tội rất khác nhau về hành vi “lấy” tài sản của người bị hại sau khi người bị hại chết hay ngất xỉu, bỏ chạy... Có nơi định tội cướp tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, có nơi định tội trộm cắp tài sản, lại có nơi định tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc tội chiếm giữ trái phép tài sản...

Trước đây, trong các hội nghị tổng kết công tác xét xử, Tòa Hình sự TAND Tối cao cũng có tham luận về việc định tội đối với loại hành vi này nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức tham luận. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng chưa có hướng dẫn vì vấn đề này liên quan đến các cơ quan tố tụng nên nếu có hướng dẫn thì cũng phải ban hành bằng một thông tư liên tịch.

Năm tháng qua đi, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn. Do đó khi gặp trường hợp tương tự như đối với vụ án mà báo nêu, có những ý kiến khác nhau là điều không thể tránh khỏi.

Tội gì cũng không ổn

Nếu cho rằng hành vi này phạm tội cướp tài sản vì việc dùng vũ lực khiến nạn nhân bỏ chạy, sau đó lấy tài sản là hành vi xâm hại đến hai mối quan hệ được BLHS bảo vệ đó là sức khỏe, tính mạng con người và tài sản. Ở đây bị cáo tuy đã dùng vũ lực nhưng mục đích của việc dùng vũ lực không phải để chiếm đoạt tài sản. Chỉ khi người bị hại bỏ chạy thì bị cáo mới có ý định chiếm đoạt rồi thực hiện hành vi chiếm đoạt. Dấu hiệu đặc trưng của tội cướp tài sản không chỉ là hành vi dùng vũ lực mà hành vi dùng vũ lực đó phải nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Nếu mục đích của việc dùng vũ lực không nhằm chiếm đoạt tài sản mà vì mục đích khác thì việc “lấy” tài sản của người bị hại bỏ lại không thỏa mãn dấu hiệu của tội cướp tài sản.

Nếu cho rằng hành vi này cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản cũng không ổn bởi người bị hại tuy có sợ nhưng không phải sợ nên buộc phải giao tài sản cho bị cáo. Người bị hại sợ bỏ chạy là vì sợ bị đánh chứ không phải sợ mất tài sản. Ngay cả trường hợp người bị hại sợ mất tài sản nhưng bị cáo không có ý định chiếm đoạt trước khi có hành vi đe dọa thì cũng không phải là dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản.

Hành vi này cũng không phải là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản vì dấu hiệu đặc trưng của tội công nhiên chiếm đoạt là người bị hại phải là người nhìn thấy bị cáo chiếm đoạt tài sản mà không làm gì được. Cũng không thể nói do bị đánh, bị đuổi nên biết bị cáo lấy tài sản mà không làm gì được, vì lúc đó bị cáo chưa có ý định chiếm đoạt tài sản, chỉ khi người bị hại đã bỏ chạy rồi, không còn ở hiện trường nữa thì bị cáo mới có ý định chiếm đoạt. Ở tội công nhiên chiếm đoạt, người phạm tội lợi dụng người bị hại “vướng mắc” nên không thể giữ được tài sản nhưng sự vướng mắc này do người bị hại hoặc do khách quan gây ra chứ không phải do người bị hại gây ra cho người bị hại. Công nhiên chiếm đoạt là công nhiên với người bị hại còn đối với người khác, người phạm tội không quan tâm.

Cũng có ý kiến cho rằng hành vi này của bị cáo là hành vi “trộm cắp tài sản” vì người bị hại không biết mình bị chiếm đoạt. Ý kiến này có vẻ phù hợp nhưng lại không thỏa mãn yếu tố “lén lút” trong tội trộm cắp. Ở đây bị cáo không phải lén lút với bất cứ ai, kể cả người bị hại. Ở Liên Xô (cũ), đối với trường hợp sau khi giết người, bị cáo thấy có tài sản nên lấy luôn là phạm tội trộm cắp, họ cho rằng khi bị cáo lấy tài sản người bị hại không biết mình bị mất. Tuy nhiên, ở nước ta, đối với trường hợp tương tự đều truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản nên không ai còn quan tâm vì sao lại là trộm cắp tài sản. Hơn nữa, khi xét xử bị cáo về tội giết người mà người bị hại chết thì mức hình phạt rất nặng nên việc xét xử bị cáo về tội cướp tài sản hay tội gì khác không còn quan trọng nữa.

Đa số ý kiến cho rằng trường hợp này nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo về tội chiếm giữ trái phép tài sản là phù hợp. Tuy nhiên, về hình phạt, tội phạm này lại rất nhẹ. Đặc biệt, cấu thành tội phạm của tội này lại đòi hỏi có những dấu hiệu chặt chẽ như sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó mà bị cáo cố tình không trả thì mới phạm tội.

Như vậy, việc xác định tội danh đối với hành vi “lấy” tài sản của người bị hại sau khi người bị hại đã chết hoặc ngất xỉu, bỏ chạy, về lý luận cũng như thực tiễn xét xử chắc chắn sẽ còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành phạm tội thì không nên ép vào tội này hay tội khác mà tốt nhất là không nên truy cứu trách nhiệm hình sự! Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan tố tụng trung ương cần thống nhất hướng dẫn loại hành vi này có cấu thành tội phạm hay không, nếu là hành vi phạm tội thì đó là tội phạm gì?

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

 

Tóm tắt vụ việc

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 18-2 phản ánh: Tối 24-7-2013, tại một quận ở TP.HCM, anh Phạm Hữu Hòa và bạn bè đang ngồi trước cửa nhà thì bị Trần Tiến Đạt cùng ba người bạn cầm dao, cây tầm vông… xông đến đuổi đánh. Nhóm của anh Hòa bỏ chạy, để lại hai xe máy. Nhóm của Đạt đuổi theo nhóm của anh Hòa không kịp nên quay lại. Thấy xe máy của anh Hòa đang cắm sẵn chìa khóa, nhóm của Đạt lấy luôn, đem bán được 2 triệu đồng (theo kết quả định giá, xe trị giá 2,5 triệu đồng) rồi trốn về An Giang và tiêu xài hết số tiền trên.

Sau khi bị bắt, tại cơ quan điều tra, nhóm của Đạt khai rằng khi đang ngồi trước nhà thì nhóm của anh Hòa gồm bốn người đi trên hai xe máy chạy ngang rồ ga lớn. Cho rằng bị khiêu khích nên Đạt mới rủ cả bọn đi đánh nhóm của anh Hòa.

VKS quận đã truy tố nhóm của Đạt về tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 BLHS. Nhưng TAND quận lại có quan điểm khác về tội danh. Theo tòa, hành vi của Đạt và đồng phạm không phù hợp các yếu tố cấu thành của tội cướp tài sản, nếu áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo thì có thể đề nghị truy tố họ về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 137 BLHS. Tuy nhiên, sau đó VKS vẫn bảo lưu quan điểm truy tố nhóm của Đạt về tội cướp tài sản nên TAND quận đã phải có công văn xin ý kiến của TAND TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm