Tòa xét tư cách tham gia tố tụng lúc nào?

Mới đây, TAND quận 2 (TP.HCM) đã xử một vụ tranh chấp về việc hoán đổi đất giữa hai công ty. Tại phiên tòa đã xảy ra một tình huống gây tranh cãi khá căng thẳng.

Mỗi bên một ý

Cụ thể, ngay phần thủ tục đầu phiên xử, luật sư của bị đơn đã đề nghị tòa xem xét tư cách của bà M., đại diện nguyên đơn.

Theo luật sư phía bị đơn, trước đây giám đốc cũ của nguyên đơn ký giấy ủy quyền cho bà M. nhưng hiện người này đã nghỉ hưu, vậy giấy ủy quyền còn hiệu lực về mặt pháp lý hay không? Ngoài ra, luật sư phía bị đơn còn đưa ra nghi vấn rằng giấy ủy quyền bị giả mạo giấy tờ, con dấu, chữ ký. Từ đó, luật sư đề nghị tòa làm rõ bà M. có đủ tư cách đại diện nguyên đơn tham gia phiên xử hay không.

Chủ tọa phiên tòa cho biết HĐXX sẽ xem xét đề nghị này trong giờ nghị án. Luật sư phía bị đơn phản ứng khá gay gắt: “Tôi đề nghị tòa trước khi vào nội dung vụ án phải làm rõ những điều trên. Nếu thấy bà M. không đủ tư cách đại diện cho nguyên đơn thì hoãn hoặc đình chỉ ngay vụ án để tránh lòng vòng”.

Chủ tọa phiên tòa đáp: “Khi phiên tòa diễn ra, mọi người trong phòng xử án phải tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Như tòa đã giải thích lúc đầu với bị đơn là HĐXX sẽ xem xét đề nghị của bị đơn và luật sư trong giờ nghị án”.

Đến lúc này, luật sư phía bị đơn quay sang “níu áo” đại diện VKS: “Với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, tôi đề nghị đại diện VKS có ý kiến trong vấn đề này”. Đại diện VKS không cho ý kiến cụ thể về tình huống trên mà chỉ trả lời: “Nếu thấy rằng HĐXX không tuân theo pháp luật khi xét xử vụ án, trong quyền hạn và thời gian quy định, VKS sẽ có kháng nghị kịp thời”.

Sau đó, phiên xử tiếp tục diễn ra. Đến phần tranh luận, luật sư phía bị đơn tiếp tục nhắc lại: “Tôi đề nghị HĐXX xem xét tư cách ủy quyền của nguyên đơn rồi mới tiếp tục vụ án, tránh đi lòng vòng, tốn thời gian”. Chủ tọa phiên tòa lên tiếng: “Nếu luật sư không có gì tranh luận lại thì đề nghị thư ký phiên tòa ghi vào biên bản là luật sư không ý kiến và phiên tòa tiếp tục”. Lúc này, luật sư phía bị đơn mới chịu nhượng bộ, đi vào phần tranh luận của mình.

Cuối cùng, sau khi HĐXX vào nghị án, khi ra tuyên án, chủ tọa thông báo phía bị đơn đưa ra một số giấy tờ cho rằng tư cách ủy quyền của nguyên đơn không hợp lệ, bà M. không có tư cách đại diện nguyên đơn tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, theo HĐXX, những tài liệu này chỉ là bản photocopy, không có giá trị pháp lý nên HĐXX không có căn cứ để xem xét yêu cầu của bị đơn và luật sư phía bị đơn...

Thủ tục trước, nội dung sau

Việc điều khiển phiên tòa là thẩm quyền của chủ tọa, cũng như việc xem xét cái gì, hoãn xử hay không... là thẩm quyền của HĐXX nhưng cũng phải tuân thủ các quy định tố tụng. Vấn đề đặt ra ở đây là khi có yêu cầu xem xét về mặt tư cách tham gia tố tụng của một bên đương sự ngay ở phần thủ tục bắt đầu phiên tòa thì HĐXX sẽ xem xét vào lúc nào, ngay trong phần thủ tục hay chờ đến khi vào nghị án?

Theo TS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng bộ môn Luật tố tụng dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) xác định tư cách của đương sự là một trong những nhiệm vụ cơ bản của tòa. Nếu xác định không đúng tư cách của các đương sự tham gia thì dù phiên tòa có diễn ra, có đi vào nội dung cũng vô nghĩa.

Ở trường hợp trên, yêu cầu của luật sư phía bị đơn là chính đáng. Thông thường trong thực tiễn, các HĐXX sẽ vào hội ý, sau đó ra trả lời là chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị của luật sư cùng lý do chứ không đợi đến khi vào nghị án mới xem xét. “Đặt trường hợp nếu sau khi nghị án, HĐXX kiểm tra hồ sơ, nhận thấy đề nghị của luật sư là đúng thì thời gian dành cho phiên tòa trước đó là vô nghĩa” - TS Tiến nhấn mạnh.

Đồng tình, luật sư Lê Đăng Liệu (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: “Theo Điều 64 BLTTDS, luật sư có quyền đề nghị kiểm tra tư cách tham gia tố tụng của đương sự. Yêu cầu của luật sư buộc phải làm rõ trước khi đi vào nội dung là đúng. HĐXX phải xem xét, giải quyết, đưa ra kết luận ngay trong phần thủ tục”.

PHAN THƯƠNG

Nên xem xét ngay từ đầu

Yêu cầu của luật sư là đúng. Cách giải quyết vấn đề của chủ tọa cũng không sai song có thể chưa hợp lý. Bởi lẽ pháp luật tố tụng dân sự chưa phân định rõ ràng phải giải quyết như thế nào trong trường hợp cụ thể này nhưng luật vẫn nói một câu là “mọi vấn đề phải thông qua HĐXX khi vào nghị án”. Mọi vấn đề ở đây có thể là cả về tố tụng lẫn nội dung nên sẽ có hai cách giải quyết cho trường hợp này là HĐXX hội ý ngay trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa hoặc quyết định trong phần nghị án.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm xét xử của tôi, nếu luật sư hoặc các bên đương sự có yêu cầu về phần thủ tục tố tụng thì HĐXX sẽ hỏi ý kiến của đại diện VKS, sau đó là hội ý và đưa ra kết luận ngay. Việc giải quyết kịp thời, triệt để sẽ khiến phiên tòa không trở nên căng thẳng, gay gắt, đồng thời cũng khiến các đương sự và luật sư hiểu, hợp tác hơn.

Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊM, Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm