Tòa sơ thẩm khu vực: Khó cũng phải làm

Mô hình tòa sơ thẩm khu vực có nhiều ưu điểm nhưng có hạn chế là người dân ở vùng sâu, vùng xa phải đi lại vất vả hơn. Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, dù có khó khăn trước mắt cũng vẫn phải làm cho được…

Theo dự thảo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đến nay tất cả 63 tỉnh, thành đã xây dựng xong phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực.

Tăng tính độc lập trong xét xử

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba nhận xét: Mô hình TAND sơ thẩm khu vực có tính ưu việt hơn hẳn mô hình TAND cấp huyện hiện nay.

Trước hết, mô hình này khắc phục được quan niệm TAND, VKSND cấp huyện thuộc hệ thống cơ quan hành chính, bị phụ thuộc nên khó độc lập trong xét xử. Từ đó sẽ nâng cao chất lượng xét xử ở cấp cơ sở, khắc phục tình trạng án oan, sai, án quá hạn, giảm tỉ lệ kháng nghị, kháng cáo và đề nghị giám đốc thẩm, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho nhân dân, nâng cao niềm tin của người dân vào công lý.

Mặt khác, mô hình TAND sơ thẩm khu vực còn góp phần thu gọn đầu mối cơ quan TAND, VKSND để ngành có thể phân công cán bộ chuyên sâu hơn, trang bị cơ sở vật chất tốt hơn. Ngoài ra, mô hình TAND sơ thẩm khu vực đảm bảo cho tòa khu vực có đủ điều kiện xét xử sơ thẩm các vụ án có yếu tố nước ngoài, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Từ đó giảm gánh nặng xét xử cho TAND Tối cao để cơ quan này chỉ tập trung vào nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm và hướng dẫn áp dụng pháp luật...

Tòa sơ thẩm khu vực: Khó cũng phải làm ảnh 1

Mô hình TAND sơ thẩm khu vực có tính ưu việt hơn hẳn mô hình TAND cấp huyện hiện nay. Ảnh: HTD

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Tú, khi giải quyết các vụ án hành chính, các thẩm phán tòa cấp huyện phải chịu sức ép nhất định bởi người bị kiện là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước địa phương, Vì vậy, không chỉ tính độc lập bị ảnh hưởng mà chất lượng xét xử cũng không cao. Cạnh đó, việc phân tán dàn trải cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực ở các tòa cấp huyện gây lãng phí, không nâng cao được chất lượng xét xử. Trong khi nhiều trụ sở tòa huyện ọp ẹp, không tạo được tính uy nghiêm của pháp đình thì việc nhập lại thành tòa sơ thẩm khu vực sẽ tốt và tập trung hơn.

Người dân phải đi xa hơn

Tuy nhiên, dự thảo cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn của mô hình, trong đó có chuyện tiếp cận với tòa của người dân.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Văn Sỹ và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum Đào Xuân Quý, ở các tỉnh có nhiều huyện miền núi, vùng sâu, vùng cao, để người dân đến được tòa sơ thẩm khu vực là rất vất vả. Bởi lẽ người dân nghèo, phương tiện đi lại khó khăn, đường sá không tốt, trong khi tòa lại ở xa.

Ông Sỹ dẫn chứng: Theo kế hoạch, hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My của Quảng Nam sẽ có một tòa sơ thẩm khu vực nằm ở Bắc Trà My. Nếu người dân một xã vùng cao của Nam Trà My đến tòa thì sẽ không thể đi về trong một ngày vì nhiều đoạn không có đường ô tô. Trong khi đó, quá trình tố tụng phải triệu tập đương sự nhiều lần, mỗi lần đi lại cách trở như thế thì không ổn. Do đó, ông Sỹ đề nghị khi thực hiện mô hình tòa sơ thẩm khu vực cần phải có lộ trình cụ thể, chẳng hạn từ nay đến năm 2015 thì triển khai tại các vùng đồng bằng, còn các huyện miền núi thì chậm lại để chờ hoàn thiện thêm cơ sở vật chất...

Còn ông Quý nêu thực trạng ở Kon Tum, có nơi người dân phải đi khoảng 100 km mới có thể đến được tòa khu vực. Từ đó, ông Quý kiến nghị nên giữ lại những trụ sở tòa huyện cũ để tiếp tục sử dụng thành chi nhánh của tòa sơ thẩm khu vực và cử cán bộ trực. Nếu người dân cần giải quyết những vấn đề pháp lý nhỏ thì đến đây, khi gặp những vấn đề lớn mới đến tòa sơ thẩm khu vực.

Một đại diện Bộ Công an cho biết vì tình hình tội phạm tăng cao nên có khoảng 75% số vụ án hình sự hiện nay do tòa cấp huyện xét xử. Nếu tòa án sơ thẩm khu vực hình thành, trong khi khoảng cách địa lý xa sẽ khó khăn cho việc dẫn giải bị cáo. Việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ tòa và VKS để thực hiện chức trách cũng khó khăn hơn.

Xa về khoảng cách không có nghĩa là xa dân

Tại hội nghị lấy ý kiến về tổ chức TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực trước khi báo cáo Bộ Chính trị thông qua ngày 24-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận xét: “Sự cách trở về mặt địa lý đúng là một khó khăn lớn nhưng không có nghĩa là tòa sẽ xa dân. Chúng ta phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ về yếu tố gần dân, không chỉ là khoảng cách đường đi mà còn là thái độ phục vụ, cách thụ lý, giải quyết vụ việc của cán bộ tòa, VKS. Hơn nữa, lộ trình cho mô hình này còn dài, sau khi sửa đổi Hiến pháp, sửa các luật liên quan mới thực hiện, lúc đó sẽ sửa các quy định tố tụng để làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Cạnh đó, cùng với sự phát triển của đội ngũ luật sư, trợ giúp pháp lý, cơ sở hạ tầng, giao thông thì khó khăn sẽ được giải quyết. Ngoài ra, khi thiết kế mô hình, các cơ quan chuyên môn cần chú ý đối với những vùng sâu, vùng xa, người dân đi lại khó khăn thì cơ quan địa hạt TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực nên giữ nguyên như cấp huyện hiện nay”.

Tòa sơ thẩm khu vực: Khó cũng phải làm ảnh 2

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: T.TÙNG

Chủ tịch nước khẳng định: “Rõ ràng tòa án sơ thẩm khu vực khắc phục được rất nhiều hạn chế so với mô hình hiện nay. Khó khăn là có nhưng nó gồm cả những khó khăn chung của nền tư pháp chứ không phải do riêng mô hình này. Trước mắt nổi lên khó khăn nhưng việc xây dựng mô hình TAND sơ thẩm khu vực là việc cần làm và phải quyết tâm làm cho được”.

TAND sơ thẩm khu vực hoạt động như thế nào?

Theo đề án, hệ thống tòa án sẽ được tổ chức lại bốn cấp, gồm TAND sơ thẩm khu vực, TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương, TAND cấp cao và TAND Tối cao.

TAND sơ thẩm khu vực hình thành trên cơ sở giữ nguyên hoặc gom vài tòa huyện lại, có một chánh án và các phó chánh án. Tòa sơ thẩm khu vực sẽ có các tòa chuyên trách gồm tòa hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính và bộ phận nghiệp vụ hành chính quản trị giúp việc. Ở các tòa chuyên trách trong TAND sơ thẩm khu vực chỉ bố trí thẩm phán chuyên trách để xét xử mà không có thư ký tòa chuyên trách. Thư ký và thẩm tra viên của tòa chuyên trách được bố trí, hoạt động ở bộ phận nghiệp vụ thuộc khối văn phòng.

TAND cấp tỉnh không còn ủy ban tư pháp. TAND cấp cao thì tương tự như các tòa phúc thẩm thuộc TAND Tối cao và trước mắt chỉ lập ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. TAND Tối cao sẽ tổ chức tinh gọn lại với số lượng 13-17 thẩm phán là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm xét xử (gần giống Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hiện tại). Tòa này chỉ xử giám đốc thẩm, tái thẩm, tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.

Ngành kiểm sát cũng sẽ được tổ chức lại thành bốn cấp gồm VKSND khu vực, VKSND tỉnh, TP trực thuộc trung ương, VKSND cấp cao và VKSND Tối cao. Địa hạt tư pháp của ngành kiểm sát trùng khít với địa hạt tư pháp của tòa cùng cấp.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm