Tòa sẽ ra quyết định thi hành án dân sự?

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, công tác thi hành án dân sự (THADS) thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc, yếu kém, chưa kịp thời. Trong đó có những trường hợp bản án, quyết định của tòa tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi, dẫn đến không thể THA được...

Xét xử đang tách rời THA

Ông Nguyễn Thanh Thủy (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THA) cho rằng đang có sự tách rời giữa hoạt động xét xử và THA. Trách nhiệm của tòa đối với việc thi hành các bản án còn hạn chế, nhất là giải quyết những hệ quả, vướng mắc trong trường hợp bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. “Khi cơ quan THA có văn bản yêu cầu giải thích bản án thì quy trình trả lời của tòa còn chậm, nhiều trường hợp dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài” - ông Thủy nói.

GS-TS Lê Minh Tâm (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam) cũng nhận xét do tòa không nắm được tình hình và kết quả THA nên không phát hiện kịp thời những hạn chế, sai sót trong bản án.

Đồng quan điểm, TS Lưu Bình Nhưỡng (Phó Chánh Văn phòng, Vụ trưởng-Trưởng ban II Văn phòng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương) đặt vấn đề: “Hiện pháp luật không quy định thẩm quyền của tòa trong việc ra quyết định thi hành bản án đã có hiệu lực. Điều đó cho thấy không có sự tiếp nối để tòa thực thi quyền lực tư pháp như vốn có. Tòa không có trách nhiệm rõ ràng trong vấn đề theo dõi việc thi hành các bản án mà mình đã phán quyết nên không thực hiện được vai trò trung tâm của hoạt động tư pháp; không nắm được các bản án, quyết định mà mình đã tuyên có được chấp hành đầy đủ hay không”.

 
Nâng cao tính khả thi bản án để đảm bảo trách nhiệm của tòa đối với hoạt động THA. Ảnh minh họa: HTD

Ông Nhưỡng dẫn chứng thực tế: Theo quy định, cơ quan THA khi ra quyết định về THA phải gửi cho VKS cùng cấp chứ không phải gửi cho tòa. “Có trường hợp bản án ra rồi nhưng không biết bản án sẽ đi về đâu. Xử xong rồi chuyển giao là coi như xong” - ông Nhưỡng nói tiếp.

Tòa chỉ nên ra quyết định THA?

Theo đại diện Bộ Tư pháp, trong Luật THADS sửa đổi sắp tới cần quy định rõ cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm giữa tòa và cơ quan THA, bảo đảm trách nhiệm của tòa đối với hoạt động THA.

Xung quanh vấn đề này đã nảy sinh hai luồng quan điểm trái chiều:

Theo một số chuyên gia, tòa chỉ cần ra một loại quyết định mang tính chất quyền lực tư pháp là “quyết định đưa bản án ra THA” nhằm khẳng định bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành được đưa vào quá trình THA. Trong trường hợp đã kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án thì tòa có quyền ra quyết định miễn THA, giảm THA, tạm đình chỉ THA, đình chỉ THA. Còn các loại quyết định khác trong quá trình THA mang tính chất hành chính, thuộc về nghiệp vụ THA thì do cơ quan THA thực hiện.

Tuy nhiên, một số người lại cho rằng tòa nên ra các quyết định liên quan trực tiếp đến việc khởi động THA, tạm dừng hoặc thay đổi tiến trình THA như quyết định THA, hoãn THA, tạm đình chỉ THA, đình chỉ THA, ủy thác THA… bất kể là đã kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hay chưa.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, cả hai luồng quan điểm nói trên đều hướng tới bảo đảm sự gắn kết giữa giai đoạn xét xử và giai đoạn THA, nâng cao tính khả thi của bản án, quyết định được ban hành. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của tòa trong việc giải thích, đính chính, kháng nghị và trả lời khiếu nại nhằm khắc phục kịp thời những sai sót trong các bản án, quyết định đã tuyên. Tạo cơ chế thuận lợi để tòa theo dõi, kiểm soát, thống kê kết quả thi hành các bản án, quyết định của mình.

Đại diện Bộ Tư pháp và GS-TS Lê Minh Tâm ủng hộ luồng quan điểm thứ nhất. Đại diện Bộ Tư pháp phân tích: Khác với THA hình sự chỉ liên quan đến cá nhân người phải THA, việc THADS liên quan đến tài sản, mà để THA lại cần phải thực hiện nhiều thủ tục. Ví dụ như xác minh có hay không có tài sản thuộc sở hữu chung hay riêng… Do đó nếu thực hiện theo luồng quan điểm thứ hai sẽ làm phát sinh nhiều thủ tục kéo theo, làm tăng thời gian THA, đồng thời tòa phải bố trí thêm bộ máy và nhân sự để thực hiện gây tốn kém, lãng phí. Mặt khác, xét về bản chất, quyết định đưa bản án, quyết định ra THA mang tính chất quyền lực tư pháp do tòa thực hiện là phù hợp. Các loại quyết định khác trong quá trình THA chỉ đơn thuần mang tính chất nghiệp vụ thì nên giao cho cơ quan THA thực hiện.

TẤN TÀI

 

Tòa sẽ không “ôm” nổi?

Trước đây THA cũng nằm trong tòa án nhưng rồi có người cho rằng như vậy là “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên mới tách ra. Khi để THA trong tòa án có cái lợi là tòa phải xử thế nào để bản án còn thi hành được. Tòa sẽ phải đi xác minh tài sản, các điều kiện thi hành bản án…

Tuy nhiên, chúng tôi đã ra một bản án có hiệu lực pháp luật rồi, giờ lại ra thêm quyết định THA nữa thì rất bất cập. Ở TP.HCM nhiều án lắm, một ngày ký hàng chục bản án. Nếu cứ ra quyết định thi hành thì phải ngồi chỉnh sửa dài dòng… Nếu sửa đổi luật theo lối này thì rất rườm rà, không có tòa nào “ôm” nổi. Chỉ cần có bản án, cứ vậy mà thi hành. Còn nếu không thi hành được thì tòa án phải có chỉnh sửa. Một số bản án tuyên không rõ ràng, mập mờ dẫn đến không thi hành được thì cứ quy về trách nhiệm, xem ai làm sai thì phải chịu. Cái này thuộc lỗi của thẩm phán chứ không phải lỗi của thiết chế.

Đại diện Tòa Dân sự TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm